Góp mặt trong danh sách này có các dự án như: Khu dân cư thương mại Lagi của Công ty TNHH Xây dựng thương mại VINAM; Khu liên hợp hồ điều hòa ở TP. Phan Thiết của Công ty CP Đầu tư Xây dựng Huy Hoàng; Dự án KDC Phan Rí Cửa của Công ty CP HVT BT Việt Nam; Hamubay Phan Thiết của Công ty Trường Phúc Hải; dự án Goldsand Hill Villa (P.Mũi Né, TP.Phan Thiết) của Công ty Lộc Tú; Khu dân cư nông thôn Hàm Thắng – Hàm Liêm giai đoạn 2 của Công ty Nguyên Bình; dự án Mũi Né Summer Land của Công ty bất động sản Hưng Lộc Phát; Khu liên hợp hồ điều hòa, chỉnh trang đô thị và dịch vụ - thương mại Hưng Long (P.Hưng Long, TP. Phan Thiết).
Trong đó, có 3 dự án mới trong giai đoạn triển khai xây dựng hạ tầng và phần lớn các dự án chưa hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư, chưa có giấy phép xây dựng. Thậm chí có dự án chỉ mới đang ở trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư nhưng các chủ đầu tư và nhà phân phối đã thực hiện việc rao bán, chuyển nhượng, thu tiền khách hàng bằng hình thức giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí. Đây là các hình thức kinh doanh lách luật không được quy định trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản và các quy định pháp luật có liên quan gây rủi ro rất lớn cho khách hàng. Trong khi các hình thức này không được quy định trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản và các quy định pháp luật có liên quan.
Do đó, Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận đã đề nghị các doanh nghiệp trên không ký kết hợp đồng với đơn vị môi giới bất động sản để thực hiện giao dịch mua bán đặt cọc giữ chỗ; không đăng thông tin bán các dự án khi chưa đủ điều kiện giao dịch.
Trong năm 2019, Sở cũng sẽ tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra đối với việc thực hiện luật kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.