"Đại án" ngành ngân hàng
Vào ngày 8/1 đầu năm 2018, TAND TP.HCM đã đưa vụ án Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNCB) giai đoạn 2 ra xét xử về tội ‘Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng’.
Trong vụ án này, có 46 bị cáo sẽ bị đưa ra xét xử do có hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước xảy ra tại 4 ngân hàng gồm Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), TPBank, BIDV và Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNCB).
Cùng bị đưa ra xét xử với Phạm Công Danh còn có ông Trầm Bê, nguyên Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch hội đồng tín dụng Sacombank, ông Phan Huy Khang, nguyên Tổng giám đốc Sacombank…
Sau gần 1 tháng xét xử, sáng 7/2, HĐXX tuyên trả hồ sơ và điều tra bổ sung vụ án với lý do qua quá trình xét xử, những tranh luận xoay quanh dòng tiền 4.500 tỷ tăng vốn điều lệ, 6.126 tỷ thiệt hại vụ án vẫn là câu hỏi lớn cần làm rõ.
Trước đó, Viện kiểm sát đề nghị tuyên Phạm Công Danh 20 năm tù, Trầm Bê 5-6 năm tù Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Xây dựng) 13-15 năm tù, Mai Hữu Khương (nguyên Thành viên HĐQT, nguyên Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) 11-13 năm tù.
42 bị cáo khác là giám đốc các công ty "ma", giám đốc, phó giám đốc các ngân hàng bị đề nghị 2-7 năm tù và cho hưởng án treo.
Về trách nhiệm dân sự, tiếp tục đề nghị HĐXX tuyên thu hồi 6.126 tỷ từ 3 Ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV để trả lại cho Ngân hàng Xây dựng (nay là CB). Đồng thời, buộc bị cáo Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh có trách nhiệm bồi hoàn số tiền 6.126 tỷ cho 3 ngân hàng...
22 cựu lãnh đạo, cán bộ cao cấp hầu tòa
Vào ngày 8/1, TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản”, xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Theo đó có 22 bị cáo bị đưa ra xét xử, gồm Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN), Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam PVC) cùng 20 cựu lãnh đạo, cán bộ của PVN và PVC.
Theo như cáo buộc: Dù biết rõ Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) đang gặp khó khăn rất lớn về tài chính và chưa có năng lực, kinh nghiệm để thi công những dự án nhiệt điện lớn nhưng bị cáo Đinh La Thăng, với vai trò của Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vẫn giao cho PVC thực hiện gói thầu EPC của Dự án Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2 theo hình thức chỉ định thầu.
Thực chất của việc ký kết các hợp đồng EPC 33 và hợp đồng chuyển đổi chủ thể số 4194 nhằm mục đích lấy tiền của PVN để chuyển cho PVC đang chìm đắm trong nợ nần. Chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày (từ 23 đến 31/5/2011) thông qua việc chi tạm ứng, PVC đã rút của PVN 1.000 tỷ đồng trên tổng số hơn 1.312 tỷ tạm ứng trái quy định.
Sau đó, PVC đã sử dụng không đúng mục đích số tiền hơn 1.115 tỷ đồng, gây thiệt hại cho PVN 119 tỷ đồng. Việc chỉ định nhà thầu thiếu năng lực kinh nghiệm, tài chính là PVC đã để lại hệ lụy rất lớn.
Bên cạnh đó, để có tiền chi tiêu cá nhân, Trịnh Xuân Thanh cùng với Vũ Đức Thuận đã đề ra chủ trương và giao cho Nguyễn Anh Minh chỉ đạo Lương Văn Hòa cùng thuộc cấp lập khống hồ sơ thiết kế, dự toán thi công, nghiệm thu, thanh quyết toán 4 hạng mục phụ trợ dự án nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 và dự án nhà máy Quảng Trạch 1, rút số tiền hơn 13 tỷ đồng...
HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 13 năm tù về tội cố ý làm trái; bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị tuyên 14 năm tù về tội cố ý làm trái, chung thân về tội tham ô. Tổng hình phạt hai tội là chung thân. Các bị cáo còn lại bị tuyên 3 năm án treo đến 22 năm tù giam.
Cựu tổng cục trưởng Phan Văn Vĩnh liên quan vụ đánh bạc nghìn tỷ
Ngày 30/11, sau 2 tuần trước đó đưa vụ án ra xét xử tại TAND tỉnh Phú Thọ, TAND đã đưa ra phán quyết pháp lý đã được tuyên đối với 92 bị cáo.
Cụ thể, TAND tỉnh Phú Thọ xác định cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh đã phạm tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, phạt 9 năm tù. Cùng tội danh, cựu cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa bị phạt 10 năm tù.
Hai cựu tướng công an bị phạt bổ sung mỗi người 100 triệu đồng. Hình phạt với hai bị cáo cao hơn mức đề nghị của VKS (Phan Văn Vĩnh từ 7 năm đến 7 năm 6 tháng tù, Nguyễn Thanh Hóa từ 8 năm đến 8 năm 6 tháng tù).
Trái với hai cựu tướng công an, hai chủ mưu của đường dây đánh bạc được nhận mức án thấp hơn khung hình phạt truy tố. Cựu chủ tịch CNC Nguyễn Văn Dương bị phạt 5 năm tù về tội Tổ chức đánh bạc, 5 năm tù do Rửa tiền. Tổng hợp hình phạt là 10 năm, mức án VKS đề nghị từ 11 đến 13 năm.
Cựu chủ tịch VTC Online Phan Sào Nam bị phạt 2 năm tù về tội Tổ chức đánh bạc, 3 năm tù về tội Rửa tiền. Tổng hình phạt là 5 năm, mức án đề nghị của VKS từ 6 đến 7 năm.
Nguyễn Văn Dương phải nộp lại toàn bộ 1.700 tỷ đồng, với Phan Sào Nam là 1.500 tỷ đồng.
88 bị cáo còn lại nhận hình phạt từ 40 triệu đồng đến ba năm tù về các tội: Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc, Rửa tiền, Mua bán trái phép hóa đơn, Sử dụng mạng internet chiếm đoạt tài sản. Trong đó, 17 bị cáo thuộc nhóm tội Mua bán trái phép hóa đơn hoặc Đánh bạc bị phạt tiền, không hình phạt tù. 22 người bị tuyên hình phạt tù treo hoặc cải tạo không giam giữ.
Bản án xác định, trong khoảng 10.000 tỷ đồng đường dây thu lời, các nhà mạng được hưởng 1.200 tỷ đồng. Trong đó, Viettel là 913 tỷ đồng, còn bị truy thu hơn 200 tỷ đồng. Vinaphone hưởng 147 tỷ đồng, phải nộp lại 13 tỷ đồng. MobiFone được hưởng 171 tỷ đồng, phải nộp lại 15 tỷ đồng. Đây là số tiền thu lời không chính đáng đã được chứng minh do đánh bạc mà có. Vì thế việc hưởng lợi của các nhà mạng không có căn cứ pháp lý (vi phạm khoản 1 điều 10 Nghị định số 25/2011/NĐ-CP), cần truy nộp Ngân sách Nhà nước.
HĐXX cho rằng các nhà mạng không thể kiểm soát hết được thẻ cào đã phát hành bởi pháp luật còn nhiều quy định phức tạp. Do vậy, các nhà mạng không phải chịu trách nhiệm khi người mua sử dụng thẻ cào viễn thông vào việc nạp tiền đánh bạc trực tuyến.
Cuối cùng, HĐXX kiến nghị làm rõ trách nhiệm các cán bộ ở Bộ Thông tin Truyền thông và các cơ quan viễn thông khi không phát hiện kịp thời việc đánh bạc trực tuyến không phép trong thời gian dài; điều tra lời khai về việc bị cáo Dương, Nam khai đưa tiền cho các cán bộ ở Tổng cục cảnh sát, nếu đủ căn cứ thì xử lý theo tội Nhận hối lộ.
Xét xử vụ Vũ ''nhôm'' liên quan đến chiếm đoạt của DAB hơn 203 tỷ đồng
Ngày 7/12, phiên xét xử ông Trần Phương Bình (59 tuổi, nguyên Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Á-DAB), Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm, Chủ tịch HĐQT Công ty Bắc Nam 79) và 24 bị cáo bước sang phần tranh luận.
Theo Viện Kiểm sát, là Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị và Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB, bị cáo Trần Phương Bình đã chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện hành vi Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây thiệt hại cho DAB hơn 3.600 tỷ đồng.
Đây là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng DAB tại thời điểm ngày 31/12/2015, lỗ lũy kế 31.076 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỷ đồng và tổng tài sản thực chỉ còn 47.011 tỷ đồng.
"Vì vụ lợi cá nhân, ông Bình đã bất chấp pháp luật, lôi kéo nhiều lãnh đạo, cán bộ DAB phạm tội", đại diện VKS nói và cho rằng cần áp dụng mức án nghiêm khắc nhất đối với nguyên Tổng giám đốc DAB mới đủ sức răn đe.
Theo đó, ông Bình bị đề nghị mức án chung thân về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, 20 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; tổng mức hình phạt là chung thân.
Đối với Phan Văn Anh Vũ, VKS nhận định là đồng phạm với Trần Phương Bình chiếm đoạt của DAB hơn 203 tỷ đồng của DAB. Quá trình điều tra và tại tòa, Vũ không nhận tội, khẳng định mượn tiền ông Bình vì mối quan hệ thân thiết cá nhân, quan hệ dân sự. Tuy nhiên, ông Bình không thừa nhận cho Chủ tịch Công ty Bắc Nam 79 mượn tiền mà hướng dẫn viết và ký giấy tờ khống. Lời khai của ông Bình được cho là phù hợp kết quả điều tra và lời khai của các bị cáo khác.
Cũng theo đó, do đã tác động gia đình khắc phục một phần hậu quả nên Viện Kiểm sát đề nghị giảm một mức hình phạt đối với Phan Văn Anh Vũ.
"Vũ đã bỏ mặc các hành vi sai phạm của Bình. Lẽ ra Vũ phải chịu mức án 20 năm đến chung thân, song gia đình bị cáo đã khắc phục 203 tỷ đồng và hứa khắc phục tiếp 13,4 triệu USD nên cần xem xét giảm nhẹ", VKS đánh giá và đề nghị HĐXX tuyên phạt Vũ mức án 15-17 năm tù về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; tổng hợp với mức án 8 năm tù của TAND Cấp cao tại Hà Nội là 23-25 năm.
Nguyễn Thị Kim Xuyến phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước phải chịu trách nhiệm số tiền 40 tỷ đồng, liên đới chịu trách nhiệm 1.574 tỷ.
Tại tòa, Xuyến ăn năn hối cải, cho rằng 40 tỷ đã trả cho Bình nhưng không có căn cứ chứng minh, ông Bình cũng không thừa nhận. VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bà này tổng mức án 30 năm tù.
Các bị cáo khác bị đề nghị cao nhất là 18 năm tù giam, thấp nhất là 24 tháng tù treo. Các bị cáo được hưởng lợi phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho DAB. Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ và kết quả thẩm tra tại phiên tòa, Viện kiểm sát cũng có kiến nghị điều tra làm rõ đối với Võ Thị Kim Anh - cựu Trưởng phòng kinh doanh Hội sở DAB; Trần Huy Nam - cựu Giám đốc Chi nhánh DAB Nam Định và một số cá nhân tại Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước.
H.A (TH)