Sống trong những căn hộ tiền tỷ mà tính mạng con người phụ thuộc hoàn toàn vào may rủi khi những điều kiện an toàn căn bản chưa được đảm bảo có phải quá mạo hiểm? Tôi chắc đa số những người dân sống ở chung cư cao cấp không hề quan tâm ngôi nhà mình ở đã nghiệm thu an toàn hay chưa. Ba lần đổi nhà chung cư, từ dự án của chủ đầu tư nước ngoài đến trong nước, từ Hà Nội đến Đà Nẵng, với nhiều mức giá khác nhau, tôi chưa khi nào tự kiểm tra quy chuẩn PCCC của dự án mình mua.
Bởi tôi, cũng như hầu hết người mua nhà, tin rằng ai đó, cơ quan nào đó đã phải nghiệm thu thì chủ đầu tư mới được phép bàn giao nhà. Niềm tin đó, về lý thuyết không có gì sai. Đằng nào tôi cũng không có trình độ trong lĩnh vực chuyên môn hẹp ấy để tự kiểm tra. Nhưng nó tạo ra một thực tế: những ngôi nhà đưa vào sử dụng mà sự an toàn bị quên lãng.
Hệ thống phun nước tự động chữa cháy được Leonardo da Vinci nghĩ đến từ thế kỷ 15, được hoàn thiện ở thế kỷ 19 và được coi là trang bị bắt buộc của các toà nhà chung cư cao trên 10 tầng tại Việt Nam từ nhiều năm trước. Tại một số quốc gia phát triển, nó là quy chuẩn của mọi căn nhà bất kể chiều cao. Nhưng ở thế kỷ 21, hệ thống đó không hoạt động tại tòa nhà Carina Plaza đêm qua. Nếu như thiết bị phun nước tự động có hoạt động ở địa điểm phát sinh cháy từ đầu, hậu quả có thể sẽ không khủng khiếp đến vậy.
Những bộ tiêu chuẩn và quy chuẩn thực tế quy định rất ngặt nghèo về phòng cháy chữa cháy tại nhà cao tầng. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình dành 2 trang để quy định một khái niệm có lẽ sẽ khiến nhiều người giật mình: “phòng trực điều khiển chống cháy”. Nó là một phòng kỹ thuật riêng biệt có “nhân viên có chuyên môn” về PCCC trực thường xuyên, có lắp đặt “thiết bị thông tin” và “bảng theo dõi các thiết bị chữa cháy”. Và nó là một đòi hỏi bắt buộc với các công trình cao tầng.
Nếu bạn là một cư dân chung cư, hãy tự hỏi mình cái “phòng trực điều khiển chống cháy” đầy khoa học này nằm đâu trong tòa nhà mình đang sống? Hay đây là lần đầu tiên bạn biết nó có tồn tại (trên giấy tờ)?
13 con người đã chết trong vụ cháy khiến người ta giật mình nhìn lại còn bao nhiêu nạn nhân dự bị ngay từ khi chuyển đến những tòa nhà chung cư, khi họ hào hứng và đầy tin tưởng vào những quảng cáo của chủ đầu tư về sự hiện đại của toà nhà, tin tưởng vào quy định an toàn của nhà nước, vào trách nhiệm của các cơ quan thẩm định, nghiệm thu.
Nếu như không thể tin vào sự tuân thủ pháp luật của chủ đầu tư, nếu như không thể tin vào trách nhiệm của những cơ quan thẩm định, chúng ta chỉ có thể ở trong những toà nhà chung cư cao cấp khi bản thân mỗi người là một chuyên gia thẩm định an toàn. Đó là điều bất khả. Vậy thì sao? Vậy thì chúng ta chỉ có thể sống, và chết cùng với những niềm tin vô vọng của mình.
Những toà nhà chung cư cao cấp, những con đường cao tốc, những biểu tượng của cuộc sống văn minh, hiện đại mà chúng ta thụ hưởng với một sự tự tin, thậm chí là tự hào, thiếu đi thiết bị, thiếu các quy chuẩn và thiếu khả năng để làm chủ chúng. Giống như nhà thơ Tố Hữu đã từng tự hào viết về anh hùng Phạm Tuân: “Chân dép lốp bay vào vũ trụ”. Chỉ có điều, 50 năm trước, nhà thơ Tố Hữu tin tưởng vào công nghệ của người anh em Liên Xô. Còn bây giờ, chúng ta tin vào trách nhiệm của các cơ quan thẩm định.
Đây không phải vụ cháy chung cư đầu tiên mà người dân khẳng định rằng hệ thống báo cháy không hoạt động. Những công nghệ chống cháy được phát triển tại phương Tây từ thế kỷ 19, nhưng không hoạt động ở Việt Nam vào thế kỷ 21. Chúng ta đường hoàng làm chủ rất nhiều công trình, công nghệ mà vẫn chỉ đang… đi dép lốp.
Cùng là niềm tin, có niềm tin khiến Phạm Tuân trở thành anh hùng, có niềm tin khiến chúng ta chết cháy.
Theo VnExpress