Ngày 23/10 vừa qua, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã gửi đơn khiếu nại, báo cáo vi phạm bản quyền ca khúc Nhật ký của mẹ tới Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) sau khi phát hiện bộ phim dán nhãn 18+ Quỳnh búp bê đang phát trên sóng kênh VTV3 sử dụng ca khúc này.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung khẳng định rằng bộ phim dán nhãn 18+ Quỳnh búp bê đã sử dụng ca khúc Nhật ký của mẹ do mình sáng tác mà chưa có sự đồng ý của anh.
Trong đơn, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung viết: “Tôi phát hiện thấy bộ phim truyền hình Quỳnh búp bê tập 19 đã sử dụng ca khúc Nhật ký của mẹ do tôi sáng tác cả phần nhạc và lời. Tôi đề nghị VCPMC xem xét và yêu cầu đơn vị sản xuất thực thi nghiêm túc quyền tác giả âm nhạc”.
Theo đó, đại diện VCPMC cho hay trung tâm đã nhận đơn của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung và đã có văn bản gửi sang VFC.
Ông Đinh Trung Cẩn – Giám đốc VCPMC đã xác nhận việc đã nhận được đơn kiến nghị từ nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung với nội dung như trên. Hiện VCPMC đã có công văn gửi tới Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) để yêu cầu làm rõ.
Được biết, VCPMC và VFC sẽ có cuộc làm việc về vấn đề này, nếu trong trường hợp 2 bên không đạt được thống nhất trong việc thực thi quyền tác giả đối với sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung thì sự việc sẽ được xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Việc nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung viết đơn khiếu nại bộ phim Quỳnh búp bê vi phạm bản quyền tác giả khi sử dụng ca khúc Nhật ký của mẹ chưa xin phép diễn ra sau hơn 4 tháng bộ phim ăn khách này được phát sóng trên VTV, khiến chúng ta thấy được một thực tế về vấn đề bản quyền tác giả hiện nay, vẫn còn tồn tại tình trạng vi phạm về quyền tác giả một cách vô tình hay cố ý, công nhiên, thiếu ý thức tôn trọng pháp luật, dẫn đến yêu cầu cấp thiết trong việc tiến hành các biện pháp bảo vệ quyền tác giả, xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm. Việc sử dụng tác phẩm không xin phép tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả vẫn diễn ra thường xuyên.
Việc vi phạm bản quyền đã khiến người sáng tạo và nhà sản xuất bị mất đi rất nhiều cơ hội thu lợi nhuận. Nếu không làm tốt việc bảo vệ bản quyền thì nhà sáng tạo sẽ không còn tâm huyết để tạo nên những tác phẩm chất lượng cao, có khả năng chinh phục thị trường và trở thành những “siêu phẩm” văn hóa mang lại nguồn lợi kinh tế lớn. Và như vậy, ngành công nghiệp văn hóa sẽ không thể phát triển.
H.a (TH)