Ngày 8/1/2019, TAND TP.Hòa Bình sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với 7 bị can trong vụ án làm 9 bệnh nhân chạy thận tử vong tại BVĐK tỉnh Hòa Bình.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử, thành phần HĐXX gồm 5 người: 2 thẩm phán và 3 Hội thẩm nhân dân. Chủ tọa điều hành phiên tòa là ông Nghiêm Hoài Anh.
Giữ quyền công tố tại tòa là 2 nữ kiểm sát viên của VKSND thành phố Hòa Bình.
Có hơn 30 luật sư, trợ giúp viên pháp lý tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo, người bị hại và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Riêng bác sĩ Hoàng Công Lương có tất cả 10 luật sư tham gia bào chữa.
Trước ngày mở phiên tòa, luật sư Trần Thu Nam – Văn phòng luật sư Tín Việt và cộng sự, bào chữa cho bác sĩ Hoàng Công Lương cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại đã có 10 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho bác sĩ Hoàng Công Lương. Do số lượng luật sư bào chữa cho bác sĩ Lương đông nên các luật sư đã họp bàn, phối hợp để bố trí công việc.
“Các luật sư đều đã chuẩn bị tinh thần cho một phiên tòa dài ngày”, luật sư Nam nói.
Nhận định về vụ án, luật sư Nam cho biết, các luật sư đều có quan điểm nhận định chung là bác sĩ Hoàng Công Lương không có tội. Điều đó đã được minh chứng ở những phiên tòa trước. Một hành vi chỉ cấu thành một tội danh; qua nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, hành vi của bác sĩ Lương không có gì thay đổi nhưng lại bị chuyển hết từ tội danh này sang tội danh khác. Từ đó cho thấy sự loay hoay của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc định tội danh.
Nói về chức trách của bác sĩ Hoàng Công Lương, luật sư Nam cho biết cơ quan chức năng chuyên ngành y tế đã đưa ra những nhận định là không có vi phạm gì về quy trình khám chữa bệnh.
Tham gia bào chữa cho bác sĩ Lương, luật sư Trần Thu Nam đã có nhiều buổi tiếp xúc, làm việc, động viên bác sĩ Lương.
Luật sư Nam cho hay: “Hiện tâm lý của bác sĩ Lương vẫn nhất quán từ trước tới nay, rằng mình làm đúng chức trách, chức năng, nhiệm vụ của bác sĩ và bản thân không phạm tội. Bác sĩ Lương sẵn sàng đón nhận áp lực vì xác định “chiến đấu” tới cùng với cơ quan tố tụng không phải là điều đơn giản. Các luật sư và bác sĩ Hoàng Công Lương đều có chung niềm tin không xê chuyển là bác sĩ Lương không có tội”.
Theo cáo buộc tại bản cáo trạng lần hai của VKSND tỉnh Phú Thọ, bác sĩ Hoàng Công Lương là người có chuyên môn, được đào tạo kỹ thuật thận nhân tạo; có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh với phạm vi hoạt động chuyên môn là khám chữa bệnh Nội và Hồi sức cấp cứu. Đồng thời là người chịu trách nhiệm về chuyên môn trong ca điều trị cho người bệnh ngày 29/5/2017.
“Với trình độ, nhận thức và vai trò, trách nhiệm được giao, Hoàng Công Lương phải biết nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng, sau khi sửa chữa, bảo dưỡng “tẩy rửa màng RO” phải có xét nghiệm xác định chất lượng nguồn nước và biết trách nhiệm đảm bảo chất lượng nước thuộc Trưởng khoa”, cáo trạng nêu rõ.
Tuy nhiên, sáng 29/5/2017, khi mới nghe điều dưỡng Đỗ Thị Điệp (là người không có trách nhiệm bảo đảm chất lượng nước) nói về việc Trần Văn Sơn thông báo hệ thống RO số 2 đã sửa xong và có thể hoạt động bình thường, chưa có căn cứ xác định chất lượng nguồn nước đảm bảo và thực tế chưa có việc bàn giao hệ thống RO số 2 để đưa vào sử dụng, Hoàng Công Lương đã chủ quan ra y lệnh điều trị và ký xác nhận y lệnh điều trị của bác sỹ Nguyễn Mạnh Linh và bác sỹ Phạm Thị Huyền đối với 18 bệnh nhân.
Trong lần ra cáo trạng thứ hai, VKS đã truy tố bác sỹ Hoàng Công Lương tội Vô ý làm chết người theo quy định tại khoản 2, Điều 98, BLHS năm 1999, với khung hình phạt từ 3 đến 10 năm tù.
H.A (TH)