Khu đô thị Đông Hải tọa lạc tại phường Đông Hải (TP. Thanh Hóa) có tổng diện tích đất quy hoạch là 42,52ha do Tổng Công ty Cổ phần miền Trung và Công ty Cổ phần IDEC Việt Nam đầu tư. Việc triển khai dự án xây dựng khu đô thị mới đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; đảm bảo khớp nối về không gian kiến trúc và hạ tầng với các dự án lân cận. Dự án khi triển khai sẽ ảnh hưởng đến 1.056 hộ dân tại phường Đông Hải.
Ngày 18/1/2016, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt quy hoạch 1/500 Khu đô thị Đông Hải, thành phố Thanh Hóa tại quyết định số 199/QĐ-UBND làm tiền đề để dự án sớm đưa vào triển khai và xây dựng. Tổng chi phí là 1.279,474 tỷ đồng bao gồm toàn bộ việc xây dựng hạ tầng. Trong đó, kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng là 176,168 tỷ đồng và thời gian thực hiện trong năm 2016 - 2017.
Tuy nhiên gần đây, tòa soạn PhapluatNet nhận được phản ánh của khách hàng cũng như người dân về dự án khu đô thị Đông Hải tại thành phố Thanh Hóa. Khách hàng vô cùng bức xúc, quan ngại về hồ sơ pháp lý của dự án làm đơn tố cáo tới các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí về việc khu đô thị Đông Hải đang huy động vốn trái phép khi chưa giải phóng xong mặt bằng, chủ đầu tư chưa hoàn thiện xong hạ tầng kỹ thuật.
Theo phản ánh, hàng trăm lô đất nền của dự án khu đô thị Đông Hải đã được rao bán quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội với hình thức thỏa thuận đăng ký quyền đặt giữ chỗ mua đất, với mức giá lên tới 300 đến 400 trăm triệu đồng trên một lô đất.
Cụ thể, khách hàng H.K.H (Quảng Cát, TP. Thanh Hóa) có đơn gửi cơ quan công an đề nghị điều tra Công ty CP Đầu tư xây dựng BĐS Lam Sơn về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vào ngày 17/4/2018, ông H. có đến văn phòng Công ty này ký bản thỏa thuận đăng ký giữ quyền đặt mua lô đất ký hiệu FLK 04 - Lô 16 + 17 trên mặt bằng Khu đô thị Đông Hải, diện tích 70m2 đơn giá là 13 triệu đồng/m2. Sau khi ký kết hợp đồng với giám đốc Công ty là ông T.Đ.H, ông H. đặt cọc số tiền 400 triệu đồng và nhận được lịch hẹn sau 40 ngày sẽ được ký hợp đồng mua đất.
Tuy nhiên, đã quá thời hạn nhiều ngày nhưng Công ty CP Đầu tư xây dựng BĐS Lam Sơn vẫn không thực hiện lời hứa. Qua tìm hiểu, ông H. được biết hạ tầng dự án vẫn chưa xong, chưa đủ điều kiện để bán nên đã đến công ty đòi lại số tiền trên. Tuy nhiên, Giám đốc công ty tiếp tục thất hứa nhiều lần không trả nên ông H. làm đơn gửi cơ quan công an đề nghị điều tra. Hiện tại cơ quan công an đang vào cuộc điều tra vụ việc.
Trước những phản ánh nêu trên liên quan đến lá đơn của ông H., PV đã liên hệ làm việc với Tổng Công ty Cổ phần miền Trung là chủ đầu tư của dự án. Ngày 25/9, tiếp PV là ông Nguyễn Quyết Chiến - Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc công ty, ông Chiến cho biết : "Anh có nắm bắt được về vụ việc mà công ty Lam Sơn lừa đảo khách hàng và cơ quan công an cũng có đến công ty để làm việc với nội dung này rồi. Nhưng anh khẳng định công ty anh không có mối quan hệ nào với sàn bất động sản Lam Sơn."
Khi PV đặt câu hỏi cho CĐT về việc một dự án bất động sản lớn như khu đô thị Đông Hải, được các sàn giao dịch khác đem ra bán trên giấy, mà chủ đầu tư lại không nắm bắt được, vậy trách nhiệm quản lý của CĐT nằm ở đâu, thì nhận được câu trả lời: "Em ơi quản lý làm sao được" đồng thời viện dẫn: "Nhà của anh đây rõ ràng đang ở, người ta còn đem rao bán bình thường".
Vậy theo lập luận của chủ tịch Tổng Công ty Cổ phần miền Trung, với dự án khu đô thị Đông Hải của công ty, sàn giao dịch nào muốn quảng cáo ra sao, nội dung như thế nào, bên công ty cũng sẽ không can thiệp để chỉnh sửa, ngăn chặn. Kể cả là những quảng cáo sai nghiêm trọng dẫn đến nhiều cá nhân bị thiệt hại, tiền đặt cọc "không cánh mà bay"?
Rõ ràng, sàn BĐS Lam Sơn đã quảng cáo rầm rộ về dự án để thu hút người dân mua đất nhưng phía chủ đầu tư dự án - đơn vị liên quan quan trực tiếp lại "không biết gì"!?. Nghịch lý này khiến dư luận đặt ra câu hỏi phải chăng năng lực quản lý của chủ đầu tư còn yếu kém? Hay chính CĐT cố tình bắt tay cùng các sàn giao dịch bất động sản tiến hành nhận đặt cọc, giữ chỗ nhằm lách luật, huy động vốn trái phép?
Điều này càng khiến khách hàng hoài nghi về năng lực tài chính của chủ đầu tư, cũng như lo ngại về nguy cơ rủi ro rất cao khi đầu tư vào dự án này.
Bên cạnh đó, nếu chủ đầu tư chưa hề rao bán hay có thông tin chính thức về dự án thì thông tin về hàng trăm lô đất thuộc khu đô thị Đông Hải, thành phố Thanh Hóa vì sao đã rầm rộ trên mạng? Trong trường hợp, không chỉ sàn BĐS Lam Sơn có sai phạm mà nhiều sàn giao dịch khác cũng quảng cáo thông tin sai lệnh nhưng chủ đầu tư vẫn "không quản lý được", như vậy nhiều người mua đất chắc chắn thiệt hại nặng.
Và điều tất yếu, người mua thiệt hại, chính chủ đầu tư cũng sẽ mất đi uy tín, lòng tin ở khách hàng.
Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cần sớm vào cuộc xác minh, xử lý nghiêm minh làm rõ vụ việc trên để trả lại sự công bằng cho người dân.
PhapluatNet sẽ tiếp tục thông tin.
Tuấn Mào