Tổng thống Moon rời sân bay quân sự Seoul tại Seongnam, tỉnh Gyeonggi vào khoảng 8h40 (giờ địa phương, tức vào 6h40 theo giờ Việt Nam). Chuyên cơ sẽ hạ cánh tại sân bay quốc tế Sunan của Bình Nhưỡng vào khoảng 10h00, theo Korea Times.
Theo Chánh văn phòng tổng thống Hàn Quốc Im Jong Seok, nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể sẽ đến tận sân bay để đón tổng thống Hàn Quốc. Bình Nhưỡng dự kiến sẽ tổ chức lễ tiếp đón cấp nhà nước tại sân bay Sunan.
Phái đoàn đặc biệt của Tổng thống Moon sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên Kim Yong Nam. Trong khi đó, nhóm lãnh đạo doanh nghiệp Hàn Quốc tháp tùng chuyến thăm sẽ được tiếp bởi các thành viên nội các Triều Tiên. Buổi trình diễn nghệ thuật chào mừng thượng đỉnh dự kiến sẽ diễn ra vào đêm nay.
Chính quyền ông Moon không muốn bỏ qua cơ hội thúc đẩy hoạt động trao đổi liên Triều thời gian tới. Những kết quả tích cực đạt được có thể mở đường cho hy vọng tái thống nhất trên bán đảo Triều Tiên và mang lại cú hích kinh tế, những cơ hội làm ăn lớn chưa từng có.
Tuy nhiên, đã xuất hiện lời kêu gọi thận trọng với lý do giờ chưa phải lúc các doanh nghiệp Hàn Quốc đến Triều Tiên thăm dò cơ hội.
Bình Nhưỡng hiện chưa từ bỏ kho vũ khí hạt nhân trong khi các biện pháp trừng phạt Triều Tiên mạnh mẽ của Liên Hiệp Quốc vẫn đang được duy trì. Do đó, theo tờ The Korea Herald, sẽ là vội vã nếu Seoul thúc đẩy các dự án kinh tế với Bình Nhưỡng lúc này. Hơn nữa, những dự án chung liên Triều có nguy cơ gây hại đến nỗ lực phi hạt nhân hóa đang được cộng đồng quốc tế theo đuổi và tác động tiêu cực đến doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia các dự án như thế.
Tổng thống Moon sáng 19/9 sẽ họp cùng nhà lãnh đạo Kim thêm 1 lần nữa trước khi trở về nước vào ngày 20/9.
Lãnh đạo hai miền bán đảo Triều Tiên có thể sẽ đạt được một thỏa thuận giảm căng thẳng quân sự tại cuộc gặp thượng đỉnh bắt đầu từ ngày 18/9, theo ông Im.
Ngoài ra, ưu tiên còn lại trong chương trình nghị sự là phát triển quan hệ liên Triều và thúc đẩy đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ - Triều. Vấn đề các gia đình ly tán sau chiến tranh Triều Tiên cũng sẽ được đề cập.
Trong khi đó, chuyện thống nhất đang ngày càng bị xem là phi thực tế giữa lúc hai miền Triều Tiên vẫn còn khoảng cách quá lớn. "Triều Tiên đang thúc đẩy câu chuyện thống nhất không phải vì tin vào điều này mà vì đây là khẩu hiệu mạnh mẽ giúp biện minh cho động thái cải thiện quan hệ liên Triều. Trong khi đó, với người Hàn Quốc, ý tưởng thống nhất khiến họ nhớ ngay đến gánh nặng chi phí" - ông Lim Eul-chul, chuyên gia tại Trường ĐH Kyungnam ở Seoul, giải thích.
Anh Huy (TH)