Được biết, toilet thông minh được các nhà khoa học tại Cơ quan nghiên cứu Hàng không vũ trụ Châu Âu (ESA) và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ phối hợp với các chuyên gia vệ sinh tạo ra.
Với cảm biến có khả năng phân tích nước tiểu để đưa ra lượng protein và glucose, chiếc toilet này có thể phát hiện sớm bệnh tiểu đường và ung thư.
Theo đó, dữ liệu có thể gửi tới điện thoại thông minh của người dùng hoặc các bác sỹ gia đình để chữa trị kịp thời. Theo ông Michael Lindenmayer, chuyên gia về sức khỏe và thiết bị vệ sinh thông minh tại Liên minh Ủy ban nhà vệ sinh cho biết, chiếc toilet công nghệ cao giúp con người có cơ hội lớn để "kiểm soát sức khỏe tốt hơn".
Sameer Berry, chuyên gia nghiên cứu dạ dày - ruột cho rằng, nhà vệ sinh thông minh sẽ hữu ích trong việc thu thập dữ liệu của bệnh nhân ung thư ruột, áp xe hậu môn...
Điều này có nghĩa, nếu kết hợp dữ liệu sức khỏe từ các cảm biến thông minh trong nhà vệ sinh với dữ liệu vệ tinh quan sát trái đất, chúng ta có thể tạo thành hệ thống thông tin y tế mang tính phòng chống dịch bệnh.
Việc "thông minh hóa" nhà vệ sinh công cộng còn giúp giới chức y tế theo dõi và dự đoán dịch bệnh, có cơ hội cảnh báo sớm trước khi dịch bùng phát. Bởi, nếu có 1.000 nhà vệ sinh thông minh cùng giám sát một số loại bệnh cụ thể tại một khu vực, có thể dùng dữ liệu không gian để tính toán khả năng xảy ra dịch bệnh.
Nhà vệ sinh thông minh dựa trên công nghệ sử dụng để theo dõi sức khỏe của các phi hành gia trên vũ trụ. Trạm Không gian quốc tế (ISS) đã thử nghiệm một thiết bị mang tên Hệ thống Giám sát nước tiểu, với mục đích thu thập và kiểm tra nước tiểu của từng thành viên phi hành đoàn.
Các công ty thiết bị vệ sinh của Nhật cũng đang phát triển nhà vệ sinh kết nối wifi giúp đo chỉ số khối cơ thể (BMI), các thành phần sinh hóa như đường, protein, nhiệt độ nước tiểu...
Hay tại Mỹ, các nhà khoa học tại Đại học Stanford đã phát triển loại giấy vệ sinh đổi màu có thể phát hiện dấu hiệu nhiễm trùng đường tiểu với sự hỗ trợ của camera trên điện thoại thông minh.
H.A (TH)