Đại diện thường trực Mỹ tại Liên Hợp quốc, bà Nikki Haley trong khuôn khổ cuộc họp của Hội đồng Bảo an theo sáng kiến của Nga đã tuyên bố rằng, Mỹ sẵn sàng tiếp tục tấn công Syria.
Theo chính trị gia người Mỹ này, hiện Mỹ đang có ý định tiếp tục gây áp lực lên lực lượng của Chính phủ Syria. Bà đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo về quyết định này khi cho rằng, vũ khí của Mỹ “đã lên nòng”.
“Khi Tổng thống của chúng tôi đưa ra lằn ranh giới đỏ, ông ấy sẽ thực hiện bằng được nó” – bà Nikki Haley nhấn mạnh.
Khi đề cập tới các báo cáo về sử dụng vũ khí hóa học, Đại diện thường trực của Mỹ tại Liên Hợp quốc cũng bổ sung rằng, chính Chính phủ Nga đã buộc liên quân phải có các hành động như vậy. Theo bà, cuộc tấn công vào Syria là một tín hiệu gửi tới giới lãnh đạo nước này.
Trong cuộc điện đàm giữa ông Putin với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani, hai nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng cuộc không kích của phương Tây đã phá hỏng các cơ hội đạt được một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến đã kéo dài 7 năm tại Syria.
Thông báo của điện Kremlin nêu: "Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh nếu những hành động vi phạm Hiến chương LHQ này còn tiếp tục, rốt cuộc nó sẽ dẫn tới những hỗn loạn trong các quan hệ quốc tế".
Trong ba năm qua, quân đội Nga và Iran đã hỗ trợ lực lượng quân đội chính phủ Syria trấn áp lực lượng nổi dậy trong nước.
Các hãng thông tấn Nga dẫn lời giới nghị sĩ nước này cho biết ông Assad đang ở trong tâm trạng rất tốt. Tại cuộc gặp các nghị sĩ Nga ở Damascus, Tổng thống Syria ca ngợi hệ thống phòng không của Nga đã giúp nước này đẩy lùi được cuộc tấn công của phương Tây.
Nhà lãnh đạo Syria cũng nêu quan điểm giễu cợt với các loại vũ khí của Mỹ. Nghị sĩ Nga Dmitry Sablin dẫn lời ông Assad nói: "Hôm qua chúng tôi đã chứng kiến hành động xâm lược của Mỹ, và chúng tôi đã có thể chống trả lại bằng các loại tên lửa thời Liên Xô sản xuất vào những năm 1970. Các bộ phim Mỹ cho rằng từ những năm 1990 các loại vũ khí do Nga sản xuất đều đã ‘lỗi thời’. Tuy nhiên hôm nay chúng tôi đã thấy đâu mới là bên thực sự lạc hậu".
Mỹ tấn công Syria là tự đưa mình vào thế hiểm?
Trong buổi họp báo diễn ra ngày 14/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói: “Đây là phát bắn đầu tiên nhằm ngăn chặn khả năng sản xuất vũ khí hoá học của Syria”. Tuy nhiên, theo chuyên gia Zack Beauchamp, hành động đơn phương của Mỹ cũng chứa đựng không ít rủi ro.
Logic đằng sau hành động của Mỹ, đó là bất kì khi nào chính quyền Syria sử dụng vũ khí hoá học thì Washington sẽ dội tên lửa đáp trả. Điều này sẽ tạo ra sự leo thang quân sự không cần thiết và khiến Mỹ “sa lầy” ở một trong những cuộc nội chiến nguy hiểm và chết chóc nhất thế giới, Zack nói. Chuyên gia này cho rằng, hành động của Mỹ và liên quân thực sự không phá huỷ được toàn bộ kho vũ khí hoá học của Syria. Ngoài ra, tham vọng “kéo lùi khả năng của quân đội Syria” vẫn là điều quá mơ hồ.
Theo chuyên gia vũ khí hoá học Rebecca Hersman, từ khi nội chiến Syria xảy ra tới nay, ông Assad đã ra lệnh sử dụng hơn 200 lần vũ khí hoá học. Đây là vũ khí huỷ diệt, giúp đánh sập hoàn toàn ý chí của lực lượng đối lập và những người mang tư tưởng trái chiều. Và mỗi lần Mỹ đánh trúng một mục tiêu ở Syria, mối nguy lại tăng lên: máy bay Mỹ vô tình bắn trúng thường dân, hay bắn trúng một máy bay do Nga hay Iran hậu thuẫn. Lúc này, hai quốc gia hùng mạnh là Nga và Iran hoàn toàn có thể đáp trả Mỹ.
Hạ An (TH)