Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã có bài viết cho tờ Washington Post, trong đó ông cho rằng: “Tôi không tin một chút nào là Quốc vương Salman đã ra lệnh giết ông Khashoggi”. Ông Erdogan nhấn mạnh, “không có lý do gì để cho rằng vụ sát hại này phản ánh chính sách chính thức của Ả Rập Xê út”, vì vậy “sẽ là sai lầm nếu coi vụ việc Khashoggi là một vấn đề giữa hai nước”.
"Trong suốt tháng vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã nỗ lực làm sáng tỏ mọi mặt của vụ án. Nhờ đó, thế giới biết được rằng Khashoggi chết trong một vụ giết người máu lạnh được thực hiện bởi một nhóm sát thủ. Vụ sát hại được xác định là đã được lên kế hoạch từ trước", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan viết.
"Chúng tôi biết rằng thủ phạm nằm trong số 18 nghi phạm bị bắt giữ tại Arab Saudi. Những cá nhân đó đã thực hiện mệnh lệnh: giết Khashoggi và rời đi. Cuối cùng, chúng ta biết rằng lệnh giết Khashoggi đến từ cấp cao nhất của chính phủ Arab Saudi", bài viết của ông có đoạn.
Ông Erdogan cũng chỉ trích công cuộc điều tra của phía Ả Rập cho đến nay khi nhấn mạnh rằng “nỗ lực của một số quan chức Ả Rập bây giờ dường như chỉ để che đậy vụ việc chứ không phải thực hiện vì mục đích công lý”.
“Mặc dù Riyadh đã bắt giam 18 nghi phạm, song lại không có hành động mạnh mẽ nào đối với Tổng lãnh sự quán Ả Rập ở Instanbul, người này đã bay khỏi Thổ Nhĩ Kỳ ngay sau vụ việc. Tương tự như vậy, công tố viên trưởng của Ả Rập Xê út trong chuyến thăm người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đã từ chối hợp tác điều tra và trả lời những câu hỏi đơn giản một cách rất qua loa và tức tối”, ông Erdogan cho biết.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh Ankara sẽ tiếp tục đặt các câu hỏi về những điều "chính quyền Arab Saudi từ chối trả lời", chẳng hạn thi thể Khashoggi ở đâu và ai đã ra lệnh ám sát. "Là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, chúng tôi phải công bố danh tính của kẻ giật dây đằng sau vụ giết Khashoggi", ông nhấn mạnh.
Khashoggi, người từng nhiều lần chỉ trích chính quyền Arab Saudi và sống lưu vong ở nước ngoài từ năm ngoái, biến mất sau khi vào lãnh sự quán Arab Saudi ở Istanbul ngày 2/10. Sau gần ba tuần nói rằng họ không biết tung tích của nhà báo, Riyadh ngày 20/10 thừa nhận Khashoggi đã chết trong lãnh sự quán và giải thích đó là hậu quả của một cuộc tranh cãi leo thang thành ẩu đả. Họ sa thải một số quan chức và bắt 18 nghi phạm.
Hồi đầu tuần này, công tố viên Irfan Fidan của Thổ Nhĩ Kỳ thông tin trước báo giới, nhà báo Khashoggi “đã bị siết cổ ngay khi vừa bước vào lãnh sự quán” và vụ việc là “một âm mưu đã lên kế hoạch trước”. “Sau khi bị siết cổ đến chết, thi thể của ông Khashoggi đã bị phân hủy, điều này một lần nữa cho thấy rõ ràng đã có kế hoạch ám sát”, công tố viên khẳng định.
Anh Huy (TH)