Như PhapluatNet đã từng đăng tải trong rất nhiều bài viết để phản ánh về tình trạng các Chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản đối với các dự án căn hộ chung cư nhận đọc cọc giữ chỗ với số tiền dao động cho một suất giữ chỗ từ vài chục triệu cho đến hàng trăm triệu đồng.
Cụ thể, ngày 13/4, PhapluatNet có đăng tải bài viết ‘DA Sài Gòn Skyview: Sở Xây dựng chưa chấp thuận việc mở bán BĐS?’ phản ánh về dự án Sài Gòn Skyview dù chưa đủ điều kiện để mở bán nhà hình thành trong tương nhiều sàn giao dịch BĐS lại đang tiếp tay cho chủ đầu tư huy động vốn trái phép.
Đơn vị phân phối chính thức dự án Sài Gòn Skyview là hàng loạt sàn giao dịch như An Gia Real; Vinaland Group; Lộc Phát Land… đang sử dụng chiêu bài, nhận đặt cọc giữ chỗ hoặc nhận tiền thăm dò ý kiến của khách hàng để huy đông vốn trái phép cho CĐT.
Trước đó, giải thích về việc đơn vị phân phối đang có dấu hiệu huy động vốn trái phép, đại diện Công ty Sài Gòn 5 cho rằng, đó là theo tình hình chung của thị trường, nói đặt cọc giữ chỗ là nhạy cảm, phía đơn vị phân phối chỉ tìm hiểu thông tin khách hàng, đây là bước kinh doanh của đơn vị phân phối.
‘Khách hàng tự nguyện đóng 30 triệu để tìm hiểu thông tin, khách hàng có thể lấy lại bất cứ khi nào cho tới khi đặt cọc, khi khách hàng đóng tiền thì sẽ được ưu tiên lựa chọn căn hộ khi mở bán’, đại diện Công ty Sài Gòn 5 khẳng định.
Hàng loạt các dự án tại địa bàn quận 8 đều có dấu hiệu huy động vốn bằng cách ‘lách luật’ là nhận đặt cọc giữ chỗ như: Dự án Sài Gòn Intela do Công ty Cổ phần địa ốc LDG (Công ty LDG) làm chủ đầu tư; Dự án có tên thương mại là Aurora Riverside (277 Bến Bình Đông, phường 14, Quận 8, TP HCM) do Công ty Cổ phần địa ốc An Phú Long làm chủ đầu tư. Công ty Cổ phần đầu tư Căn Nhà Mơ Ước (Dream House) phát triển và phân phối độc quyền.
Để rộng đường thông tin dư luận về việc các dự án đang huy động vốn một cách trái luật, có dấu hiệu vi phạm theo nghị định 139/ NĐ – CP. Ngày 22/3, PV đã tìm đến Sở Xây dựng TP. HCM để làm rõ hơn các thông tin về hồ sơ pháp lý của các dự án, các biên bản đã được cán bộ Sở Xây dựng lập đối với các công trình vi phạm về Trật tự xây dựng, cũng như làm rõ trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân khi để xảy ra các vi phạm trong lĩnh vực quản lý …
Ngày 28/5, khi PV có liên hệ lại thì bà Thảo cho hay: ‘ Có báo với Chánh Văn phòng, xin ý kiến lãnh đạo cung cấp thông tin báo chí nhưng không có cơ sở cung cấp thông tin báo chí, trả lời bạn đọc. Theo giải thích của bà Thảo thì phải có thông tin phản ánh của bài bào nào, bạn đọc nào phản ánh?’
Liên quan đến hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, tra cứu thông tin tại cổng thông tin chính thức của Sở Xây dựng, PV được biết, đối với hoạt động thanh tra xây dựng thì hiện nay đã là tháng 6/ 2018, nhưng các kết quả kiểm tra đối với các công trình xây dựng của Sở này được đăng tải một cách công khai vẫn chỉ dừng lại ở mốc thời gian 25/9/2017. Không rõ trong một thời gian dài kể từ tháng 9/2017 đến nay các hoạt động kiểm tra của lực lượng thanh tra xây dựng trên địa bàn có được diễn ra thường xuyên hay không?
Đến nay, đã gần 3 tháng trôi qua, dù rất nhiều lần PV liên hệ với đại diện của Sở Xây dựng TP. HCM nhưng đến nay PV vẫn chưa rõ đến khi nào mới có thể tiếp nhận được thông tin chính thức từ Sở Xây dựng để phản ánh tới độc giả một cách nhanh chóng, khách quan nhất. Nhưng qua sự việc trên, dư luận độc giả cho rằng đối với các cơ quan báo chí, Sở Xây dựng còn đang ‘né tránh’ như vậy thì việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân không biết có bị “hành là chính” hay không nữa?
Nghị định 09/2017 NĐ – CP do Thủ tướng Chính phủ đã ban hành ngày 9/02/2017 về Quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước. Tại điều 6 của nghị định có nêu rõ: “Phát ngôn và cung cấp thông tin trong trường hợp đột xuất, bất thường 1. Trường hợp xảy ra sự cố mang tính quốc gia liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe của cộng đồng, trừ trường hợp ban bố tình trạng khẩn cấp, Thủ tướng Chính phủ hoặc người phát ngôn của Chính phủ thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí ngay sau khi sự cố xảy ra và thường xuyên trong quá trình xử lý sự cố. 2. Đối với sự cố liên quan đến nhiều bộ, ngành, nhiều tỉnh, thành phố, bộ, cơ quan ngang bộ hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được Chính phủ giao chủ trì xử lý phải thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thường xuyên trong quá trình xử lý sự cố. 3. Người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí trong các trường hợp đột xuất, bất thường sau đây: a) Khi xảy ra các sự kiện, vấn đề quan trọng có tác động lớn trong xã hội hoặc khi dư luận xuất hiện nhiều ý kiến không thống nhất về một vấn đề thuộc phạm vi quản lý của cơ quan hành chính nhà nước thì người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn phải thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí để cảnh báo kịp thời và định hướng dư luận. Trường hợp xảy ra vụ việc cần có ngay thông tin ban đầu của cơ quan hành chính nhà nước thì người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trong thời gian chậm nhất là 24 giờ, kể từ khi vụ việc xảy ra. b) Khi cơ quan báo chí hoặc cơ quan chỉ đạo, quản lý nhà nước về báo chí có yêu cầu phát ngôn hoặc cung cấp thông tin về các sự kiện, vấn đề của cơ quan, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan đã được nêu trên báo chí hoặc về các sự kiện, vấn đề nêu tại điểm a khoản 3 Điều này. c) Khi có căn cứ cho rằng báo chí đăng, phát thông tin sai sự thật về lĩnh vực, địa bàn do cơ quan mình quản lý, người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn yêu cầu cơ quan báo chí đó phải đăng, phát ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định của pháp luật. |