Bất thường trong Hợp đồng chuyển nhượng
Như Phapluatnet đã phản ánh, do cần vốn để thực hiện dự án xây dựng nhà liên kế và nhà đơn lập đã được UBND tỉnh Vĩnh Long phê duyệt, ông Nguyễn Thanh Thế, Giám đốc Công ty TNHH An Phú (Công ty An Phú) đã đem toàn bộ khu đất có diện tích 7818,2 m2 của dự án để thế chấp tại Ngân hàng Phát triển Nhà Đông bằng sông Cửu Long – chi nhánh tỉnh Vĩnh Long (ngân hàng MHB) để vay 20 tỷ đồng.
Sau khi ký Hợp đồng tín dụng với ngân hàng MHB ngày 15/4/2004, Công ty An Phú của ông Thế được ngân hàng giải ngân 9,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó ngân hàng không giải ngân cho ông Thế nữa với lý do cho rằng Công ty An Phú sử dụng một phần vốn vay không đúng mục đích.
Ông Thế cho biết, do ngân hàng không giải ngân nên Công ty An Phú không thể tiếp tục triển khai dự án.
Sau đó ngày 15/9/2004, Công ty An Phú cùng Công ty Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại (thuộc Bộ Thương mại), sau này là Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại (gọi tắt là Công ty BMC), thuộc Bộ Công thương và ngân hàng MHB đã lập “Biên bản họp”, với nội dung Công ty An Phú chuyển giao dự án trên cho Công ty BMC.
Biên bản họp này có ghi nhận, Công ty An Phú chuyển giao phần nợ đã vay ngân hàng (cả vốn và lãi ước tính 10,5 tỷ đồng) cho Công ty BMC, hoàn toàn không đề cập giá trị chuyển nhượng dự án.
Biên bản họp trên còn nêu rõ: “Thời điểm hai bên ký biên bản bàn giao quyền làm chủ đầu tư dự án không quá 20 ngày kể từ ngày biên bản họp này được ký kết”.
Tuy nhiên, theo ông Thế cho biết, sau đó Công ty BMC đã không thực hiện đúng như đã thỏa thuận. Do vậy, việc ký biên bản bàn giao quyền làm chủ đầu tư dự án đã không được thực hiện như cam kết.
Lúc này, do không đồng tình với quan điểm của ngân hàng và cho rằng ngân hàng MHB đã phá vỡ hợp đồng ký kết giữa hai bên nên ngày 7/7/2005, ông Thế khởi kiện ngân hàng này. Ông Thế yêu cầu ngân hàng tiếp tục giải ngân để Công ty An Phú tiếp tục thực hiện dự án.
Bản án số 03/2005/KDTMST ngày 29/11/2005 của TAND tỉnh Vĩnh Long đã tuyên bác một phần đơn yêu cầu của Công ty An Phú; Chấp nhận yêu cầu của ngân hàng MHB cho chấm dứt Hợp đồng tín dụng với Công ty An Phú; Buộc Công ty An Phú phải trả cho ngân hàng MHB số nợ gốc là 9,8 tỷ đồng và hơn 1,9 tỷ đồng nợ lãi.
Theo phản ánh của ông Tô Huy Thông (là đại diện hợp pháp theo ủy quyền của ông Nguyễn Thanh Thế) cho biết, đầu năm 2006, sau khi có bản án của tòa, ông Thế mang tiền tới ngân hàng MHB để tất toán hợp đồng thì được đại diện ngân hàng cho biết, lô đất ông Thế thế chấp đã được chuyển nhượng cho người khác.
Sau đó ông Thế đã liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long trích lục hồ sơ khu đất này thì phát hiện, khu đất đã được chuyển nhượng cho Công ty BMC. Điều lạ là Hợp đồng chuyển nhượng này được UBND phường 4, TP Vĩnh Long xác nhận vào ngày 9/6/2005, tức trước khi có bản án hơn 5 tháng.
Có hay không sự “tiếp tay” của ngân hàng và cơ quan chức năng?
Trình bày với phóng viên, ông Thế thừa nhận, thời điểm ký Hợp đồng tín dụng với ngân hàng MHB, để ngân hàng sớm giải ngân, ông Thế buộc phải ký khống vào một Hợp đồng chuyển nhượng Quyền sử dụng đất (QSDĐ) khác do ngân hàng yêu cầu (?!). Tài sản giao dịch trên lại chính là toàn bộ phần đất đã được ông Thế thế chấp cho ngân hàng này.
“Khi ký khống hợp đồng, không hề ghi ngày, tháng, năm và do tin tưởng ngân hàng nên nghĩ đó chỉ là dấu treo, không phải là căn cứ xác lập giao dịch”, ông Thế nói.
Theo hồ sơ phóng viên có được, tại Hợp đồng chuyển nhượng trên không hề ghi ngày, tháng, năm đúng như ông Thế phản ánh. Hợp đồng cũng không ghi thời gian và phương thức thanh toán. Giá chuyển nhượng toàn bộ 7.818,2m2 đất chỉ 10,352 tỷ đồng. Trong khi đó, tại Hợp đồng tín dụng giữa Công ty An Phú và ngân hàng MHB lại ghi nhận giá trị QSDĐ thế chấp là hơn 14 tỷ đồng (cao hơn giá chuyển nhượng gần 4 tỷ). Bên cạnh đó, ông Thế cũng cho biết toàn bộ diện tích đất trên được ông nhận chuyển nhượng từ năm 2004 với giá trên 14 tỷ đồng.
Nói về việc này, theo ông Tô Huy Thông (là đại diện hợp pháp theo ủy quyền của ông Nguyễn Thanh Thế) cho biết, số tiền trong Hợp đồng chuyển nhượng trên trùng khớp với số nợ gốc và lãi của Công ty An Phú vay ngân hàng MHB tính tới thời điểm chuyển nhượng.
Điều bất thường nữa, trong Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ đã nêu chỉ có ông Thế ký tên, không có vợ ông Thế nhưng lại đóng dấu mộc Công ty An Phú.
Điều lạ nữa là, Hợp đồng chuyển nhượng trên lại được UBND phường 4, TX Vĩnh Long xác nhận vào ngày 7/6/2005 (trước khi có bản án sơ thẩm hơn 5 tháng), sau đó ngày 13/6/2005, UBND TX Vĩnh Long xác nhận việc chuyển nhượng trên là hợp lệ. Và ngày 23/9/2005, UBND tỉnh Vĩnh Long đã cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho Công ty BMC. Trong khi đó, theo ông Thế trình bày, ông chưa một lần được thông báo hay lên UBND phường 4 cũng như UBND TX Vĩnh Long để xác nhận Hợp đồng chuyển nhượng trên.
Ông Thế bức xúc cho biết: “Việc UBND phường 4, TX Vĩnh Long xác nhận hợp đồng chuyển nhượng trên là trái luật. Bởi khi đó tôi ký khống để được ngân hàng giải ngân sớm thôi. Tôi không hề nghĩ sẽ chuyển nhượng đất vì tôi đã đi vay tiền thực hiện dự án thì chuyển nhượng làm gì? Không chỉ vậy, Hợp đồng đã thể hiện rõ không ghi ngày, tháng, năm nên tôi nghĩ đó chỉ là dấu treo, không phải là căn cứ xác lập giao dịch”.
Ông Thế còn phân tích, việc Văn phòng Đăng ký đất đai TX Vĩnh Long xác nhận đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho phía Công ty BMC cũng là không đúng. Bởi thời điểm đó khu đất vẫn được thế chấp tại ngân hàng và ông Thế chưa đi tất toán trả nợ thì làm sao lấy giấy tờ gốc ra để thực hiện việc giao dịch chuyển nhượng?
“Có chăng do ngân hàng đã “tiếp tay” cùng cơ quan chức năng hợp thức hóa việc chuyển nhượng trên?”, ông Thế đặt câu hỏi.
Ngoài ra, có thể thấy bản án sơ thẩm ngày 29/11/2005 cũng đã tuyên Công ty An Phú phải trả cho ngân hàng MHB số nợ gốc 9,8 tỷ đồng và 1,927 tỷ đồng nợ lãi. Như vậy, sau hơn 5 tháng từ khi UBND phường 4, TX Vĩnh Long xác nhận (ngày 7/6/2005) việc chuyển nhượng đất hợp lệ thì ông Thế vẫn chưa thanh toán nợ cho ngân hàng. “Như vậy ai hay đơn vị nào, căn cứ vào đâu để lấy được sổ gốc ra và thực hiện các thủ tục giao dịch?”, ông Thông đặt vấn đề.
Đến đây, dư luận sẽ phải đặt câu hỏi, vì sao Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ có nhiều dấu hiệu bất thường trên lại được các cơ quan chức năng TX Vĩnh Long thông qua một cách “dễ dàng” như vậy?
Ông Thế cho biết, sau khi biết được vụ việc, ông có liên hệ với ngân hàng MHB nhiều lần để làm rõ vụ việc nhưng không được phía ngân hàng hợp tác.
Hiện tại, ông Thông (được ông Thế ủy quyền) đã liên hệ các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Long để yêu cầu xem xét lại vụ việc một cách thấu đáo.
P.V