Liên quan đến việc cô giáo dạy PCCC khiến 3 trẻ bị bỏng, bác sĩ Lê Quang Thảo, Khoa Hồi sức cấp cứu Viện Bỏng Quốc gia cho biết, các bé đang điều trị tại viện, tiên lượng xấu.
Bác sĩ Thảo cho biết: “Khoảng 22h ngày 9/8, khoa Hồi sức tích cực tiếp nhận vụ bỏng hàng loạt gồm 3 bé độ tuổi từ 3-5 tuổi. Diện tích bỏng của 3 bé lên tới 50-60%, tất cả các bé đều vào viện trong tình trạng sốc bỏng rất nặng. Từ lúc nhập viện đến nay, chúng tôi đã xử lý theo phác đồ, truyền dịch, chống sốc, giảm đau an thần và thay băng tại vết thương cho bệnh nhân”.
Cũng theo bác sĩ Thảo, 3 bé nhập viện gồm: Phạm Bùi Gia Kh. (nam, SN 2015); Nguyễn Ngọc Hà L. (nữ, SN 2014); Nguyễn Anh T. (nữ, SN 2016).
Bác sĩ Thảo cho biết, hiện tình trạng sức khỏe của 3 cháu bé đang rất nặng, nguy kịch, có thể đe doạ đến các chức năng sống như hô hấp tuần hoàn, chức năng thận. Các bác sĩ của Khoa Hồi sức tích cực đang phải hồi sức chống sốc cho các bệnh nhân.
Trước đó, vào chiều 9/8, tại lớp trẻ mầm non tư thục Tuổi thơ (Hà Nam) đã xảy ra sự việc cô giáo dùng cồn đổ vào mâm rồi châm lửa đốt để dạy phòng chống cháy nổ. Không may, gió từ cửa sổ thổi vào đã tạt ngọn lửa đang cháy vào người 3 cháu nhỏ khiến các cháu bị bỏng, phải đưa đi cấp cứu.
Ở một diễn biến khác, ông Trần Quang Tuyến, Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Duy Tiên cũng có chia sẻ với báo Thanh niên về vụ việc này. Ông Tuyến cho biết, trong chương trình giáo dục mầm non thì có lồng ghép việc dạy kỹ năng sống. Trong tiêu chí dạy kỹ năng sống, có bài hướng dẫn cho trẻ kỹ năng kêu cứu và thoát hiểm khi gặp nguy hiểm.
"Giờ học xảy ra sự cố là giờ học hướng dẫn các cháu kêu cứu và chạy thoát khi gặp cháy chứ không phải hướng dẫn các con phòng chống cháy nổ. Trẻ mầm non thì làm sao phòng chống cháy nổ được”, ông Tuyến nói.
Nói về hành động cho cồn vào mâm đốt của cô giáo mầm non, ông Trần Quang Tuyến nói: “Tôi cho rằng hành động đó để tạo tình huống thôi. Tuy nhiên, khi châm lửa các cô lại không đóng cửa sổ khiến gió lùa vào thổi cồn đang cháy bắn vào người các cháu gây bỏng”.
"Trong những trường hợp này, để kịp thời sơ cứu người bị bỏng cồn, ngay khi xảy ra, người dân cần khẩn trương thực hiện các biện pháp như: Cách ly người ra khỏi lửa, loại bỏ các quần áo đang cháy trên cơ thể. Nếu ở nơi gần nhất có nguồn nước thì dội trực tiếp nước lạnh, nước sạch (có nhiệt độ từ 16-20 độ) xối liên tục lên người, làm loại bỏ tác nhân gây bỏng, cách này có thể làm giảm độ sâu vết thương bỏng. Sau khi sơ cứu, chuyển người bị bỏng đến nơi cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu ban đầu”, BS. Thảo khuyến cáo.