Trao đổi với Dân trí, sáng ngày 11/11, ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia (Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) cho biết ông chưa được báo cụ thể về vụ việc này.
Tuy nhiên, ngay sau khi được biết thông tin, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đang xác minh vụ việc, ông này cho biết: Ban Chỉ đạo 389 đang chờ cơ quan chuyên môn vào cuộc, cùng xác minh, xử lý vụ việc.
Trước đó, một số cơ quan báo chí đã thông tin về khách hàng Seven.AM tố một số sản phẩm tại chuỗi cửa hàng Seven.AM bị cho là cắt nhãn mác Trung Quốc để gắn nhãn mác của thương hiệu này.
Được biết, chuỗi cửa hàng Seven.AM gắn liền với tên tuổi diễn viên Nguyễn Vũ Hải Anh, Tổng giám đốc. Liên quan đến thông tin, hệ thống cửa hàng thời trang mang nhãn hiệu SEVEN.am nhập, cắt mác hàng Trung Quốc dán mác Việt Nam, ông Nguyễn Vũ Hải Anh xác nhận có nhập hàng Trung Quốc nhưng đều có hoá đơn.
"Đôi khi có cắt mác cổ vì khách hàng kêu ngứa, những chỗ khác như mác sườn thì vẫn còn. Tôi khẳng định những sản phẩm nào bên tôi không sản xuất thì không gắn mác SEVEN.am. Khi bán hàng nhân viên cũng nói rõ đây là hàng Trung Quốc", ông Hải Anh xác nhận với Zing.
Về việc cắt bỏ nhãn mác của hàng nhập từ Trung Quốc, ông Nguyễn Vũ Hải Anh giải thích "phải cắt sạch và may lại vì khách hàng phàn nàn về cảm giác ngứa ngáy, khó chịu"! Tuy nhiên, theo ông Hải Anh, cắt mác ở cổ áo vì khách hàng kêu ngứa, còn những chỗ khác như mác trên sườn áo nhãn mác vẫn còn.
Được biết, năm 2009 hệ thống cửa hàng thời trang SEVEN.am chính thức xuất hiện, đến nay thương hiệu này đã có mặt tại 18 tỉnh, TP với hệ thống 24 showroom. Thương hiệu thời trang này từng nhận được nhiều giải thưởng danh giá như: “Top 20 DN Toàn quốc có sản phẩm và dịch vụ được tin dùng” và “Bằng khen vinh danh thương hiệu cấp nhà nước - Top 15 DN Hội Nhập và Phát triển toàn quốc”.
Hiện vụ việc đang được Cục Quản lý thị trường Hà Nội vào cuộc, điều tra, xác minh.
Việc cắt mác Trung Quốc trong ngành thời trang ở Việt Nam là hiện tượng xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành may mặc và thương hiệu Việt.
Trước sự việc này, trao đổi với báo Kinh tế đô thị, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú nêu rõ: Đây không không phải là lần đầu tiên DN Việt Nam dán nhãn mác Việt Nam lên hàng Trung Quốc, mà đã trở thành “vấn nạn” chung bởi trước đó ông chủ thương hiệu Khaisilk cũng thừa nhận Khaisilk nhập khăn từ Trung Quốc và bán lẫn với khăn của Việt Nam. Sở dĩ các DN có thể lừa dối người tiêu dùng là do các mặt hàng Made in Vietnam đã tạo được lòng tin nơi người tiêu dùng.
Phó Chủ tịch Hội chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu TP Hà Nội Phạm Bá Dục cũng cho rằng, nếu có việc SEVEN.am nhập hàng Trung Quốc nhưng gắn mác "made in Vietnam" thì đây là hành vi cố tình gian dối trong kinh doanh và hoàn toàn có thể bị khởi tố theo Luật hình sự nếu đủ chứng cứ cấu thành tội làm giả số lượng lớn.
“Đối tượng vi phạm chỉ bị xử phạt từ 20 - 30 triệu đồng là không đáng kể so với khoản lợi nhuận quá lớn từ việc sản xuất lưu thông hàng giả. Điều này khiến tội phạm trong lĩnh vực này dễ dàng tái phạm và vi phạm ngày càng gia tăng”- ông Phạm Bá Dục nêu rõ.
Lùm xùm lần này của SEVEN.am khiến người tiêu dùng nhớ tới vụ việc của Khai’s Silk. Còn nhớ hồi năm 2017 thương hiệu lụa nổi như cồn thời điểm ấy là Khaisilk bị khách hàng tố cắt mác sản phẩm lụa Trung Quốc, dán đè mác sản phẩm “Made in Vietnam”.
Hệ quả, công ty này sau đó phải đóng cửa, ngừng hoạt động, thương hiệu lụa Khaisilk kể từ đó gần như biến mất trong lòng công chúng.
Không chỉ trong lĩnh vực thời trang, mà hàng điện tử, tiêu dùng cũng dính “phốt” nhập nhèm hàng hóa Made in Vietnam và Made in China.
Điển hình là vụ việc Công ty Asanzo Việt Nam bị báo chí phanh phui là nhập nhiều mặt hàng như lò vi sóng, nồi cơm điện nguyên chiếc và xé nhãn mác Trung Quốc để thành hàng Việt Nam chất lượng cao. Lực lượng thuế, hải quan kết luận sơ bộ công ty này có nhiều hành vi gian dối, trốn thuế, giả mạo xuất xứ hàng Việt Nam.
Vụ việc gây tác động xấu tới mức Thủ tướng Chính phủ phải ra yêu cầu chỉ đạo xử lý nhanh chóng. Các cơ quan gồm Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Công an vẫn đang xử lý vụ việc, chờ báo cáo chính thức lên Thủ tướng.