Như PhapluatNet đã đưa tin trong bài "Bắc Giang: Truy sát kinh hoàng, 3 người phải nhập viện", ngày 27/12/2017, tại TP. Bắc Giang đã xảy ra vụ truy sát khiến nhiều người bị thương. 3 nạn nhân gồm anh T., anh H.A và anh Đặng Văn Thái bị một nhóm đối tượng truy sát tại khu vực nhà nghỉ A. (đường Đỗ Văn Quỳnh, P. Xương Giang, TP. Bắc Giang).
Tại bệnh viện, sau khi kiểm tra, anh H.A được các bác sĩ thông báo bị chảy máu não, tổn thương hộp sọ não, hiện giờ tinh thần còn rất hoảng loạn. Anh T. được chẩn đoán tràn dịch màng phổi, vẫn đang được điều trị, theo dõi tại bệnh viện. Anh Thái người đầy vết thương được các bác sĩ băng bó và khâu nhiều mũi.
Bước đầu, theo nhận dạng của các nạn nhân, các đối tượng là người mà anh có quen biết từ trước, trong đó cầm đầu có tên thường gọi là Thịnh “Bồn” cùng 2 con trai ruột.
Theo lời kể của các nạn nhân, các đối tượng gây ra vụ truy sát rất manh động và liều lĩnh, chúng sử dụng nhiều hung khí như gậy, dao… để tấn công với ý định lấy đi tính mạng của nạn nhân.
Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với PV PhapluatNet, Luật sư Nguyễn Ngọc Linh - Đoàn luật sư TP Hà Nội, đánh giá đây là vụ việc rất nghiêm trọng, không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của các nạn nhân mà còn ảnh hưởng đến an ninh trật tự và gây hoang mang trong dư luận và quần chúng nhân dân. Luật sư Linh cho biết, theo như thông tin ban đầu của vụ việc, trước mắt có thể thấy hành vi của các đối tượng có dấu hiệu Cố ý gây thương tích.
“Vì vụ việc xảy ra trước thời điểm Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 có hiệu lực (1/1/2018) do đó, nếu như hành vi cố ý gây thương tích của đối tượng được điều tra làm rõ và xử lý thì sẽ theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009. Vì vụ việc không có nạn nhân tử vong nên khung hình phạt cao nhất cho tội danh này có thể lên đến 15 năm. Tuy nhiên, khung hình phạt còn phụ thuộc vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi, cũng như tỷ lệ giám định thương tật của các nạn nhân”, Luật sư Linh cho biết.
PV: Theo như lời kể của các nạn nhân thì các đối tượng sử dụng hung khí là dao và gậy... có ý định truy sát để tước đoạt tính mạng của nạn nhân, Luật sư đánh giá thế nào về hành vi này? Đây có được coi là hành vi phạm tội có tổ chức? Mức xử phạt như thế nào?
“Thứ nhất, theo hướng dẫn tại các tiểu mục 2.1 và 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì dao và gậy được coi là ‘phương tiện nguy hiểm’. Do đó, trong trường hợp có thể áp dụng tình tiết dùng ‘hung khí nguy hiểm’ trong quá trình định khung hình phạt các đối tượng. Bên cạnh đó, nếu như cơ quan công an có căn cứ kết luận hành vi của các đối tượng có động cơ tước đoạt đi mạng sống của các nạn nhân thì các đối tượng hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giết người.”
“Thứ hai, phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm (Khoản 3, Điều 20 Bộ luật Hình sự 1999), do đó trong vụ việc này cần phải xác định rõ vai trò cũng như hành vi của từng đối tượng tham gia gây án hay đơn thuần chỉ là hành vi bộc phát của một vài cá nhân thì mới kết luận được chính xác. Đây là tình tiết tăng nặng được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự 1999.
Điều 104: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.
P.V