Đáng lưu ý, tại báo cáo này, Tổng cục Thuế cho biết, kết quả rà soát của cơ quan thuế cho thấy, số hộ kinh doanh có địa điểm kinh doanh cố định nhưng chưa đưa vào diện quản lý thuế lên tới 581.700 hộ. Đây là con số rất lớn, bằng 1/3 so với số hộ kinh doanh trên cả nước mà cơ quan thuế đang quản lý và hơn gấp đôi so với số hộ kinh doanh đang được quản lý thuế tại Sài Gòn.
Tổng cục Thuế cho biết theo kết quả của cuộc tổng điều tra thống kê năm 2017 của Tổng cục Thống kê, cả nước có đến hơn 4,3 triệu hộ kinh doanh. Theo đó, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế đưa ngay những hộ kinh doanh này vào diện quản lý thuế. Đồng thời các cục thuế phải thường xuyên rà soát đảm bảo dữ liệu giải trình đối với các cá nhân kinh doanh không thường xuyên như xe ôm, xe lam, chủ thầu xây dựng vãng lai, kinh doanh quán cóc, vỉa hè, hộ kinh doanh tại các điểm tự phát – không chính thức được phép hoạt động (chợ tạm, chợ cóc, xóm làng, thôn, bản…)
Ông Nguyễn Bích Lâm – tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê – cho biết vừa qua khi tổng điều tra kinh tế, Tổng cục Thống kê đã thống kê số lượng hộ kinh doanh trên cả nước.
Về nguyên tắc Tổng cục Thống kê thống kê tất cả các cá nhân kinh doanh, kể cả những người làm tự do, buôn bán nhỏ, trong khi cơ quan thuế chỉ quản lý thuế với những hộ có địa điểm kinh doanh cố định. Do mục đích thống kê là khác nhau dẫn đến những sai lệch trong số liệu.
Theo ông Lâm, số liệu của Tổng cục Thống kê là cơ sở để ngành thuế nắm từ đó quản lý thuế sát hơn. Trên thực tế cũng có những hộ kinh doanh chưa khai đủ hoặc giấu doanh thu, dẫn đến thất thu thuế.
Tổng cục Thuế đã yêu cầu đưa ngay vào diện quản lý thuế những hộ kinh doanh bị sót kể trên. Các cục thuế cũng được yêu cầu phải thường xuyên rà soát đảm bảo có dữ liệu giải trình khi có yêu cầu với các cá nhân kinh doanh không thường xuyên, như xe ôm, chủ thầu xây dựng vãng lai, kinh doanh quán cóc vỉa hè, hộ kinh doanh tại các địa điểm tự phát, không được cấp phép hoạt động chính thức như chợ tạm, chợ cóc, xóm, làng, thôn, bản…
Theo Tổng cục Thuế, đến nay hộ kinh doanh vẫn đang là chủ thể có đóng góp lớn trong việc tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu tổng sản phẩm trong nước (trên 30% GDP – niên giám thống kê năm 2017). Tuy nhiên, số thu từ thuế của hộ kinh doanh lại chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng thu ngân sách nhà nước (theo số liệu năm 2017 là 1,56% trong tổng thu ngân sách nhà nước không kể dầu thô).
Trước thực trạng này, cơ quan Thuế thừa nhận, khung pháp luật về hộ kinh doanh, các chính sách hỗ trợ và tổ chức quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan còn nhiều bất cập. Ví dụ như Luật Quản lý thuế hiện hành quy định: Bán hàng hóa, dịch vụ có tổng thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì doanh nghiệp, công ty không phải lập hóa đơn mà chỉ phải lập bảng kê, đến cuối ngày mới phải lập hóa đơn tổng. Lợi dụng “kẽ hở” này, nhiều hộ kinh doanh đã kê khai không đúng, không đủ nhằm làm giảm doanh thu tính thuế.
Bên cạnh đó, vẫn chưa có tiêu thức phân loại hộ kinh doanh, chưa có biện pháp giám sát doanh thu đối với những hộ kinh doanh trong một số ngành nghề đặc thù cũng như chưa có cơ sở dữ liệu đồng bộ khiến cho công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh gặp không ít khó khăn. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân chính khác dẫn đến tình trạng thất thu thuế khu vực này là do hiện nay nhiều hộ kinh doanh đang “trốn tránh” việc xuất hóa đơn GTGT cho khách hàng.
Liên quan tới siết quản lý thuế đối với các hộ kinh doanh, hiện tại dự thảo Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính đang đề xuất hộ kinh doanh nhỏ áp dụng thuế khoán trong khi hộ kinh doanh có quy mô lớn sẽ nộp thuế theo phương pháp kê khai giống với các doanh nghiệp hiện nay.
Về đề xuất này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, có nhiều ý kiến cho rằng cần mở rộng đối tượng áp dụng đầy đủ chế độ kế toán, chứng từ đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ cá nhân kinh doanh và thực hiện cơ chế tự khai, tự nộp theo quy định, hạn chế việc khoán thuế. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng trong khi các hộ, cá nhân kinh doanh chưa thực hiện được chế độ kế toán thì việc ấn định thuế, khoán thuế vẫn cần thiết.
Còn theo bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Thuế Việt Nam, việc xác định đúng doanh thu của các hộ khoán là một vấn đề, vì có nhiều hộ kinh doanh được khoán số thuế thấp hơn so với doanh thu, do đó để quản lý được mức thuế của hộ kinh doanh thì cần phải gắn mã code cho các máy bán hàng, hóa đơn của các hộ kinh doanh, mỗi đơn hàng bán ra đều phải có mã code, khi đó mới có thể phản ánh đúng doanh thu của các hộ khoán này. Bên cạnh đó, bà Cúc cho rằng, vai trò của ngân hàng thương mại trong vấn đề kiểm soát thuế là rất quan trọng.
“Có thể phát sinh trường hợp các doanh nghiệp cấu kết với nhau để mua hóa đơn, chuyển tiền qua ngân hàng theo quy định, sau đó, họ có thể rút tiền ra theo tỷ lệ phần trăm ăn chia như đã thống nhất giữa các doanh nghiệp, khi đó, cơ quan thuế không thể kiểm soát được việc mua bán hóa đơn giữa các doanh nghiệp, do đó cần có sự kết nối thông tin trong thanh toán luồng tiền, luồng hàng giữa cơ quan thuế và các ngân hàng thương mại”, bà Cúc cho biết.
Tâm Giao (TH)