Theo Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chiều ngày 8/6, TAND tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng lao động giữa nguyên đơn là 5 thầy, cô giáo bị sa thải và bị đơn là Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai và UBND huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk).
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện UBND huyện Krông Pắk có đơn xin xét xử vắng mặt.
Phía nguyên đơn, ông Nguyễn Ánh Dương (36 tuổi, nguyên giáo viên Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai) đại diện cho các giáo viên (thầy Lương Văn Chinh, Nguyễn Tuấn Anh, Trịnh Thị Bích Hạnh và H’Dim Niê K’Đăm) có mặt.
Trong phiên tòa, các tình tiết vụ án được đưa ra phân tích, mổ xẻ. Phía nguyên đơn không cung cấp thêm các bằng chứng, chứng minh việc sa thải những giáo viên trên là đúng quy định pháp luật. Đồng thời, HĐXX bác bỏ kháng cáo của phía bị đơn và tuyên y án sơ thẩm.
Thông tin từ báo Pháp luật TP.HCM, UBND huyện Krông Pắk và Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai phải liên đới chi trả cho 5 giáo viên này số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.
Cụ thể, chi trả cho ông Nguyễn Ánh Dương với số tiền hơn 317 triệu đồng; ông Nguyễn Tuấn Anh (34 tuổi), bà Trịnh Thị Bích Hạnh (33 tuổi) và Hdim Niê K’dăm (32 tuổi) mỗi người với số tiền gần 239 triệu đồng; ông Lương Văn Chinh (36 tuổi) gần 220 triệu đồng.
Các khoản tiền mà HĐXX tuyên buộc phải chi trả trên bao gồm tiền lương chi trả trong khoảng thời gian không được bố trí giảng dạy, tiền bảo hiểm xã hội, không báo trước việc chấm dứt HĐLĐ trước 45 ngày…
Toà buộc phía bị kiện phải đóng bảo hiểm xã hội cho năm giáo viên này kể từ khi chấm dứt HĐLĐ đến ngày mở phiên toà sơ thẩm (12-1).
Ngoài ra, UBND huyện Krông Pắk và Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai cũng buộc phải liên đới thanh toán tiền lãi suất cho các giáo viên.
Báo Người Lao động đưa tin, đây là 5 giáo viên nằm trong số hơn 500 giáo viên mà huyện Krông Pắk ký hợp đồng lao động "quá tay". Sau đó, huyện này đã đồng loạt chấm dứt hợp đồng lao động hơn 500 giáo viên khiến những người này mất việc, cầu cứu khắp nơi nơi nhưng bất thành.