Chiều 6/8, TAND TP.HCM tiếp tục phần tranh luận, luận tội của VKS đối với các bị cáo nguyên là lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, lãnh đạo, ĐKV của các trung tâm đăng kiểm.
Hành vi phạm tội tại Trung tâm đăng kiểm 50-03V, đại diện VKS nhận định bị cáo Trần Văn Chủ (Giám đốc trung tâm), Bùi Văn Hữu (Phó Giám đốc trung tâm), Vũ Văn Nguyên, Trần Đức Hòa khai báo chưa thành khẩn về việc triển khai chủ trương cho phép các ĐKV nhận tiền của người đưa xe đến đăng kiểm.
Dù vậy, các bị cáo thừa nhận có tình trạng ĐKV nhận tiền khi kiểm tra phương tiện dù có lỗi hay không có lỗi. Tiền hối lộ các bị cáo thừa nhận có hưởng lợi và sử dụng vào mục đích cá nhân. Thân là Giám đốc, bị cáo Trần Văn Chủ còn sử dụng 1 phần tiền được chia đưa hối lộ lên lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam. Nhận định này là thông qua kết quả điều tra, tài liệu chứng cứ, lời khai của các bị cáo là ĐKV tại tòa, lời khai chủ phương tiện, của bị cáo là “cò” đăng kiểm.
Các bị cáo là là lãnh đạo của trung tâm trên cho rằng không có chủ trương cho phép, không biết việc ĐKV bỏ lỗi để nhận tiền chia nhau. Tuy nhiên, các bị cáo đều thừa nhận có nhận tiền từ các trưởng chuyền và ĐKV đưa từ nguồn tiền của khách hàng để hưởng lợi và nộp lên cấp trên.
Trong phần luận tội các bị cáo tại Trung tâm Đăng kiểm 50-05V, bị cáo Nguyễn Đình Quân (Giám đốc trung tâm), Trần Anh Tú (Phó Giám đốc phụ trách), Phạm Ngọc Hà (Phó Giám đốc phụ trách cơ sở An Phú Đông), Khuất Duy Thịnh (Phó giám đốc phụ trách chi nhánh Hồng Hà) xin xem xét đánh giá lại số tiền chịu trách nhiệm hình sự. Lý do các bị cáo đưa ra là vì số tiền Cơ quan cảnh sát điều tra tính ra là quá cao.
Về dữ kiện này, VKS nhận định, cách tính tiền chịu trách nhiệm hình sự, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã căn cứ vào số liệu phương tiện mà trung tâm đã kiểm định; số tiền lãnh đạo trung tâm nhận để chung chi cho lãnh đạo Cục; số tiền mà các ĐKV chia nhau. Và trên hết là căn cứ vào chính lời khai của các bị cáo, các cá nhân liên quan tại trung tâm để xác định. Trong quá trình điều tra, các bị cáo đều khai, xác nhận thời gian công tác, số tiền được chia theo quy ước tại mỗi cơ sở…tất cả đều có luật sư bảo vệ quyền và lợi ích tham dự chứng kiến.
VKS cho rằng, các bị cáo đề nghị xem xét lại số liệu tiền mà cá bị cáo hưởng lợi nhưng không cung cấp được chứng cứ, do đó VKS xác định số tiền của các bị cáo hưởng lợi theo số liệu trong cáo trạng truy tố là phù hợp.
Đối với các bị cáo tại Trung tâm Đăng kiểm 50-06V, bị cáo Nguyễn Thanh Long (Giám đốc trung tâm) đề nghị xem xét lại về hành vi “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Theo bị cáo Long, số hồ sơ trên bị cáo Long mua của Lương Duy tựu, người thực hiện việc in tài liệu giả là Nguyễn Đình Khởi. Về dữ kiện này, VKS cho rằng bị cáo Long và bị cáo Tựu thỏa thuận việc mua hồ sơ khống nên bị cáo Long phải chịu trách nhiệm với vai trò là chủ mưu, bị kcao1 Khởi lập hồ sơ giả là theo chỉ đạo của bị cáo Long.
Tại Trung tâm Đăng kiểm 50-07V, đại diện VKS nhận định, đây là trung tâm mà hầu hết các bị cáo làm đơn xin tự thú, khai nhận rõ ràng hành vi phạm tội; tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, VKS đề nghị HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo.
Sau khi kết thúc phần VKS luận tội, VKSND TP Hồ Chí Minh đã nêu quan điểm của mình đối với vụ đại án ngành đăng kiểm. Theo đó, các bị cáo trong vụ án đều có chuyên môn nghiệp vụ nhưng vì động cơ tư lợi cá nhân đã thực hiện hành vi phạm xuyên suốt từ lãnh đạo đến nhân viên. Có bị cáo hưởng lợi nhiều từ việc nhận hối lộ nhưng có bị cáo cũng chỉ hưởng lợi một phần nhỏ nhưng tất cả các hành vi trên đều ảnh hưởng đến tính mạng người dân, môi trường sống. Đặc biệt là niềm tin của người dân nên cần phải có hình phạt nghiêm khắc.
Đối với các bị cáo trong vụ án, VKS cho rằng cần có sự phân hóa trách nhiệm xử lý nghiêm đối với người đứng đầu, xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo có vai trò đồng phạm, thực hiện theo chỉ đạo. Bị cáo Đặng Việt Hà, Trần Anh Quân, và một số trong nhóm lãnh đạo thực hiện hành vi phạm tội có sự thống nhất về chủ trương nên thuộc trường hợp "phạm tội có tổ chức" và "phạm tội nhiều lần", đây là tình tiết tăng nặng. Bị cáo Trần Kỳ Hình, Đỗ Trung Học và một số bị cáo khác thực hiện hành vi "phạm tội nhiều lần", vì vậy cũng cần xử lý nghiêm.
Ngoài các tình tiết tăng nặng thì tất cả các bị cáo trong vụ án đều có các tình tiết giảm nhẹ như nhân thân tốt, lần đầu phạm tội, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; có nhiều thành tích trong công tác, đã khắc phục hậu quả nên VKS cũng đề nghị HĐXX ghi nhận, xem xét giảm một phần hình phạt cho các bị cáo.
Qua đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Đặng Việt Hà 20 năm tù về tội “nhận hối lộ”, bị cáo Trần Kỳ Hình bị đề nghị 18-19 năm tù cho tội “nhận hối lộ”, 5-6 năm tù cho tội “Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tổng hình phạt của bị cáo Trần Kỳ Hình là 23-25 năm tù.
VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo Đỗ Trung Học 20 năm tù, Trần Anh Quân 17-18 năm tù về tội “nhận hối lộ”; đề nghị tuyên phạt bị cáo Nguyễn Vũ Hải 4-5 năm tù về tội “ Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Đối với bị cáo Trần Lập Nghĩa người đứng sau 5 trung tâm đăng kiểm ở miền Tây, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt mức án 12-13 năm tù cho tội “Nhận hối lộ”; 12-13 năm tù cho tội “Giả mạo trong công tác”; 4-5 năm tù về tội “Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác”, Tổng hợp hình phạt cho 3 tội danh, là 28-30 năm tù.
Đối với 248 bị cáo còn lại, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt 183 bị cáo mức án từ 4 đến 26 năm tù; 20 bị cáo bị đề nghị 3-4 năm tù; 14 bị cáo bị đề nghị mức án 2-3 năm tù và 31 bị cáo là các đăng kiểm viên, chủ xe bị truy tố về tội Đưa, Nhận hối lộ mức án từ 1 năm 6 tháng đến 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Phiên toà tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư, VnExpress đưa tin.
Theo Đời sống và Pháp luật