Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Vụ tử tù Hồ Duy Hải: Viện KSND tối cao báo cáo Chủ tịch nước nội dung gì?

Vụ tử tù Hồ Duy Hải: Viện KSND tối cao báo cáo Chủ tịch nước nội dung gì?
Viện trưởng Viện KSND tối cao vừa có báo cáo "Quan điểm của Viện KSND tối cao về vụ Hồ Duy Hải ở Long An" gửi Tổng bí thư, Chủ tịch nước; Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thường trực Ban Bí thư...

Theo Thanh Niên, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí vừa có "Quan điểm của Viện KSND tối cao về vụ Hồ Duy Hải ở Long An" gửi Tổng bí thư, Chủ tịch nước; Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thường trực Ban Bí thư; Trưởng ban Nội chính Trung ương; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước.

Tại báo cáo này, Viện trưởng Viện KSND (VKS) tối cao khẳng định kháng nghị giám đốc thẩm của mình là có căn cứ và cần thiết, đúng pháp luật và đúng thẩm quyền.

Ông Lê Minh Trí cho biết, VKS tối cao nhận thấy đây là vụ án giết người và cướp tài sản đặc biệt nghiêm trọng. Bị cáo bị áp dụng mức án cao nhất là tử hình, nhưng chứng cứ buộc tội chủ yếu là lời khai của , không có chứng cứ vật chất trực tiếp; trong khi lời khai của bị cáo không nhất quán, mâu thuẫn với nhau (lúc nhận tội, lúc kêu oan) và mâu thuẫn với các tài liệu, chứng cứ khác. Nhiều tình tiết quan trọng chưa làm rõ; nhiều vi phạm tố tụng nghiêm trọng trong quá trình điều tra.

Vụ tử tù Hồ Duy Hải: Viện KSND tối cao báo cáo Chủ tịch nước nội dung gì?
Hồ Duy Hải tại phiên tòa sơ thẩm.

Báo cáo nêu những vấn đề chưa được làm rõ như: 

Thứ nhất, chưa làm rõ mâu thuẫn về thời gian bị cáo xuất hiện tại nơi xảy ra vụ án. Theo VKS tối cao, nhân chứng Đinh Vũ Thường đến lúc 19 giờ 39 phút 22 giây có nhìn thấy một thanh niên ngồi trong bưu điện, nhưng vào lúc 19 giờ 13 phút, Hồ Duy Hải đang có mặt tại hiệu cầm đồ. Việc di chuyển sẽ khiến Hải không thể có mặt tại Bưu điện Cầu Voi trước 19 giờ 39 phút 22 giây. Nội dung này rất quan trọng, nên phải hủy án để thực nghiệm.

Thứ hai, tại hiện trường có thu giữ 5 dấu vân tay, trong đó có dấu thu trên cửa kính và lavabo; kết quả giám định không phải của bị cáo, nhưng chưa làm rõ của ai. Nội dung này cũng cần hủy án để truy nguyên xác định dấu vân tay của ai.

Thứ ba, chưa làm rõ thời điểm tử vong của 2 nạn nhân để xác định Hải có phải hung thủ không, cần hủy án để trưng cầu giám định thời điểm tử vong.

Thứ tư, chưa làm rõ cơ chế gây ra một số vết thương trên cơ thể nạn nhân, về khả năng con dao với đặc điểm bị cáo mô tả có thể gây ra các vết thương đó không.

Thứ năm, chưa làm rõ động cơ gây án của đối tượng, vì kết luận của bản án sơ thẩm, phúc thẩm về động cơ gây án chưa phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án. Theo Viện trưởng VKS tối cao, tại phiên giám đốc thẩm, chủ tọa phiên tòa đã thừa nhận điểm trên, nhưng trong phần nhận định của quyết định giám đốc thẩm lại không nêu những vi phạm này.

Thứ sáu, có nhiều vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, đặc biệt bỏ ngoài hồ sơ nhiều tài liệu quan trọng, như: lời khai ban đầu bị cáo không nhận tội, lời khai nhân chứng, tài liệu thu giữ dấu vân tay và kết quả truy nguyên cá biệt dấu vân tay; cần hủy án để bổ sung các tài liệu này vào hồ sơ.

Viện KSND tối cao cho rằng cần hủy án để bổ sung các tài liệu này vào hồ sơ. Báo cáo của Viện KSND tối cao cho rằng những vi phạm trên là vi phạm về nội dung do điều tra không đầy đủ và vi phạm về tố tụng, vì vậy đã ảnh hưởng đến giá trị chứng minh của chứng cứ, cần phải điều tra lại để thu thập thêm chứng cứ và khắc phục những thiếu sót, vi phạm nhằm giải quyết vụ án đúng pháp luật.

Đồng thời báo cáo của Viện KSND tối cao cũng nêu thêm, tại phiên tòa giám đốc thẩm, HĐTP TAND tối cao đã kết luận những vi phạm đó chỉ là sai sót về tố tụng và không làm thay đổi bản chất vụ án là trái nguyên tắc cơ bản trong tố tụng như: nguyên tắc "suy đoán vô tội", nguyên tắc "xác định sự thật trong vụ án", nguyên tắc "tuân thủ pháp luật trong hoạt động điều tra", nguyên tắc "trọng chứng hơn trọng cung".

Tuổi Trẻ Online thông tin thêm, về việc Hội đồng thẩm phán cho rằng sau khi Chủ tịch nước bác đơn ân xá rồi có công văn yêu cầu hoãn thi hành án tử hình của Hồ Duy Hải thì công văn này là công văn hành chính.

Báo cáo của Viện KSND tối cao nêu rõ trước khi kháng nghị, viện trưởng Viện KSND tối cao đã có báo cáo xin ý kiến Chủ tịch nước, đề nghị Chủ tịch nước tiếp tục tạm dừng thi hành án tử hình Hồ Duy Hải để xem xét kháng nghị.

Viện cũng đề nghị Văn phòng Chủ tịch nước tiếp tục tham mưu cho Chủ tịch nước giải quyết "Quyết định bác đơn ân giảm của Hồ Duy Hải", để bảo đảm hiệu lực pháp luật khi viện trưởng Viện KSND tối cao ban hành kháng nghị giám đốc thẩm.

Sau đó, Văn phòng Chủ tịch nước đã có công văn thông báo ý kiến của Chủ tịch nước nêu: "Đề nghị viện trưởng Viện KSND tối cao xem xét quyết định theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật đối với vụ án Hồ Duy Hải".

Do đó, Viện trưởng Viện KSND tối cao ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm trong trường hợp này là đúng thẩm quyền theo luật định, thể hiện trách nhiệm của viện trưởng Viện KSND tối cao theo chỉ đạo của Chủ tịch nước là xem xét, làm rõ trường hợp của Hồ Duy Hải có bị kết án oan sai không, bảo đảm thận trọng, chắc chắn trước khi kết tội và áp dụng hình phạt tử hình với bị cáo.

Với quan điểm như trên, báo cáo khẳng định Viện trưởng Viện KSND tối cao vẫn giữ nguyên quan điểm kháng nghị và sẽ kiến nghị HĐTP TAND tối cao xem xét lại quyết định giám đốc thẩm ngày 8/5, theo thủ tục đặc biệt quy định tại điều 404 Bộ luật tố tụng hình sự.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.1 17 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.37473 sec| 646.164 kb