Tri thức & Cuộc sống đưa tin, theo thông cáo báo chí của Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa về vụ việc ngộ độc tập thể tại trường Tiểu học, THCS và THPT iSchool Nha Trang, trưa ngày 17/11, Trường iSchool Nha Trang tổ chức bữa ăn trưa cho 880 học sinh được chia làm 2 suất với các món ăn: Cơm gà + xốt trứng; gỏi gà (gà xé + cà rốt + bắp sú + rau răm); cánh gà chiên; canh (xương + cà rốt + cải thảo); dưa leo. Bữa ăn xế lúc 13h30 gồm bánh ngọt paparoti; uống nước tại hệ thống lọc nước của trường. Khoảng 5h sau khi ăn, một số em xuất hiện các triệu chứng đau bụng, khó chịu, tiêu chảy nhiều lần, đến khoảng 22h00 ngày 17/11 xuất hiện thêm triệu chứng sốt, buồn nôn, nôn. Đến 22h30 cùng ngày các em được người nhà đưa đi nhập viện.
Theo báo Sức khỏe & Đời sống, ban đầu các bệnh viện điều trị cho hơn 100 học sinh, nhưng sau đó số học sinh nhập viện rải rác ngày càng tăng. Qua báo cáo của Sở Y tế Khánh Hòa, thống kê đến trưa 20/11, tổng số ca nhập viện điều trị nội trú là 360 ca. Tổng số ca đã xuất viện là 93 ca. Tổng số ca đang điều trị tại các bệnh viện ở Nha Trang là 266 ca. Trong số các em đang điều trị, có 21 trường hợp nặng, cần phải theo dõi tích cực. Nhiều nhất là bệnh viện 22-12 (15 ca). Các bệnh nhân đau bụng nhiều, đi cầu lỏng nhiều lần, sốt, công thức máu bạch cầu tăng cao, CRP tăng cao, 1 ca có dịch màng bụng, giảm tiểu cầu.
Đối với một trường hợp đã tử vong ngày 20/11 được xác định là em L.Z.X (SN 2016, học sinh lớp 1, trú ở xã Vĩnh Hiệp, TP.Nha Trang, bố là người ngoại quốc, mẹ người Việt Nam). Vào 1h32 ngày 18/11, bệnh nhân được gia đình đưa đến bệnh viện 22-12 trong tình trạng nôn ói nhiều, mệt, đau bụng, chẩn đoán viêm dạ dày, ruột cấp và hạ K máu. Chiều tối ngày 19/11, bệnh nhân mệt, lơ mơ, co giật, tím, ngưng tim. Hồi sức có tim chuyển bệnh viện đa khoa tỉnh. Chẩn đoán lúc chuyển tuyến: sốc nhiễm trùng/ ngộ độc thực phẩm. Lúc 17h46, bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa trong tình trạng lơ mơ, da trắng bệch, huyết áp tụt, tim nhanh, tăng trương lực cơ toàn thân, co giật, khó thở, phải xử trí an thần, thở máy, truyền dịch, sử dụng thuốc kháng sinh, vận mạch. Đến 6h40 sáng 20/11, bệnh nhân sốt 39 độ, huyết áp và nhịp tim phụ thuộc vận mạch, thở máy ống nội khí quản, dấu hiệu suy đa phủ tạng, phải sử dụng 3 loại kháng sinh. Theo chỉ định của các bác sĩ bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hóa, 8h30 sáng cùng ngày, bệnh nhân phải chuyển vào bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM khi đang sốt 39 độ, huyết áp tụt, nhịp tim nhanh, phụ thuộc vận mạch, thở máy ống nội khí quản. Tuy nhiên, khi đang trong hành trình qua địa phận Ninh Thuận, bệnh nhân đã tử vong.
Ông Phạm Hữu Bình, Hiệu trưởng trường Ischool Nha Trang chia sẻ, đây là một việc rất đau lòng trong suốt 12 năm hoạt động của nhà trường. Ngay trong thời gian này, nhà trường vẫn đang tập trung toàn bộ nguồn lực cùng cơ quan y tế và các phụ huynh chăm sóc sức khỏe cho các em, nhất là các em đang bị nặng.
Về vụ việc ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng trên, không chỉ lãnh đạo nhà trường và các phụ huynh có con nhập viện bị sốc mà dư luận cũng hết sức bàng hoàng và lo lắng. Vậy trong sự việc này, ai sẽ là người chịu trách nhiệm, chế tài xử phạt như thế nào? Trả lời câu hỏi trên, Luật sư Nguyễn Đoàn - Hệ thống dịch vụ pháp lý Luật sư X cho biết: “Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT, trường học có bếp ăn bán trú phải bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất về an toàn vệ sinh thực phẩm và yêu cầu vệ sinh đối với hoạt động bảo quản, chế biến thực phẩm theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Chiếu theo sự việc lần này, trường iSchool Nha Trang sẽ phải phối hợp với cơ quan chức năng để làm rõ nguyên nhân và chịu trách nhiệm vì đã để xảy ra vụ việc khiến 600 học sinh nhập viện, trong đó có 1 em tử vong. Trong quá trình điều tra nguyên nhân, trường hợp phát hiện ra vi phạm, trường iSchool Nha Trang có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm theo khoản 2 Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 với mức phạt tiền từ 200 đến 500 triệu hoặc phạt tù từ 3 đến 7 năm”.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Làm chết người;
c) Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 21 người đến 100 người;
d) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
g) Thực phẩm có sử dụng nguyên liệu là động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
h) Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
i) Tái phạm nguy hiểm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Diễn đàn Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.