Những ngày cuối năm, người người háo hức cầm những gói quà Tết trên tay mang về nhà để sum họp cùng gia đình. Những món quà Tết chẳng phải thứ gì đắt đỏ, cao sang. Đôi khi chỉ là hộp bánh, cân gạo, chai dầu ăn, thùng nước ngọt... nhưng chính những món quà ấy góp phần mang không khí Tết về gần hơn với mỗi gia đình. Mọi người mong chờ túi quà Tết không phải vì giá trị của nó, mà vì ý nghĩa được gửi gắm trong mỗi món quà ấy.
Những món quà Tết kể cả được chằng buộc cẩn thận nhưng nếu quá cồng kềnh cũng sẽ gây nguy hiểm trong quá trình tham gia giao thông. Ngoài ra, còn khiến người tham gia giao thông có nguy cơ bị xử phạt nặng. Vì vậy mọi người nên chú ý khi chở đồ về nhà bằng xe máy.

Theo Điều 17 Thông tư 39/2024/TT-BGTVT quy định về chiều rộng và chiều dài xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ như sau:
- Chiều rộng xếp hàng hóa cho phép trên phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là chiều rộng của thùng xe theo thiết kế được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe.
- Chiều dài xếp hàng hóa cho phép trên phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không được lớn hơn 1,1 lần chiều dài toàn bộ của xe theo thiết kế được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe và không lớn hơn 20,0 mét.
- Xe ô tô chở người không được phép xếp hàng hóa, hành lý nhô ra quá kích thước bao ngoài của xe và không được xếp hàng hóa, hành lý trên nóc xe (trừ trường hợp có thiết kế được cơ quan đăng kiểm chứng nhận) để đảm bảo an toàn giao thông.
- Xe mô tô, xe gắn máy: chiều rộng và chiều dài xếp hàng hóa thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 33 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
- Xe thô sơ: chiều rộng và chiều dài xếp hàng hóa thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 31 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 33 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, xe mô tô, xe gắn máy không được xếp hàng hóa vượt quá chiều rộng giá đèo hàng về mỗi bên 0,3 mét, vượt quá về phía sau giá đèo hàng 0,5 mét theo thiết kế của nhà sản xuất; chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy không vượt quá 2 mét.
Như vậy, hàng hóa được xếp trên xe không đúng với quy định trên được xem là chở hàng cồng kềnh và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.
Căn cứ theo Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP, mức phạt cho hành vi vi phạm này đối với xe máy là từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng; đối với xe đạp, xe đạp máy là từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng. Trường hợp xe máy chở hàng cồng kềnh gây tai nạn thì có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng.
Theo khoản 13 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP, trường hợp người đi xe máy chở hàng công kềnh không gây tai nạn thì không bị trừ điểm giấy phép lái xe. Nếu người điều khiển xe máy chở hàng công kềnh gây tai nạn bị trừ điểm giấy phép lái xe 10 điểm.