Hồi tháng 5/2022, Quốc hội Tây Ban Nha thông qua dự luật yêu cầu phải có sự đồng thuận rõ ràng đối với các hành vi tình dục. Dự luật mới xác định sự đồng ý là sự thể hiện rõ ràng ý chí của một người, làm rõ rằng sự im lặng hoặc thụ động không phải là sự đồng ý bình đẳng. Quan hệ tình dục không đồng thuận có thể bị coi là tấn công tình dục và phải chịu án tù lên đến 15 năm.
Như vậy, Tây Ban Nha đã thay đổi định nghĩa pháp lý về việc coi quan hệ tình dục không có sự đồng thuận là tội hiếp dâm. Trước đây, khi chưa có một định nghĩa được hệ thống hóa, luật pháp Tây Ban Nha luôn yêu cầu nạn nhân phải đưa ra được bằng chứng về việc nghi phạm đã sử dụng bạo lực và sự đe dọa trong hành vi tình dục mới được phân loại là hiếp dâm.
"Kể từ hôm nay, Tây Ban Nha là một quốc gia tự do hơn, an toàn hơn cho tất cả phụ nữ. Chúng ta sẽ đánh đổi bạo lực để có được tự do, chúng ta sẽ hoán đổi nỗi sợ hãi cho sự ham muốn", bà Irene Montero - Bộ trưởng bộ Bình đẳng Tây Ban Nha, phát biểu tại Quốc hội.
Bên cạnh đó, luật mới cũng nêu ra những biện pháp khác như bắt buộc trẻ vị thành niên phạm tội tình dục phải được giáo dục giới tính, đào tạo về bình đẳng giới và tạo ra một mạng lưới các trung tâm chống khủng hoảng 24/24 cho những người sống sót sau vụ tấn công tình dục và các thành viên trong gia đình của họ.
Đạo luật này được đưa ra xem xét sau khi một vụ hiếp dâm tập thể xảy ra vào năm 2016 khiến dư luận Tây Ban Nha rúng động. Một cô gái 18 tuổi đã bị 5 gã đàn ông tấn công tình dục khi đến xem một lễ hội đua bò ở thành phố Pamplona.
Thời điểm đó, 5 người đàn ông chịu trách nhiệm ban đầu chỉ bị kết án về tội lạm dụng tình dục - một tội danh nhẹ hơn. Lý do là vì tòa án không tìm thấy bằng chứng cho thấy các nghi phạm sử dụng bạo lực thể chất để buộc tội tấn công tình dục.
Phán quyết của tòa án địa phương đã khiến nạn nhân và dư luận vô cùng phẫn nộ. Do đó, hàng chục nghìn người đã đổ xuống các đường phố ở Tây Ban Nha tham gia cuộc biểu tình phản đối việc tòa án giảm nhẹ tội cho 5 đối tượng này.
Ngay tại Pamplona, cảnh sát cho biết hơn 30.000 người đã tham gia cuộc tuần hành. Các cuộc biểu tình cũng diễn ra ở nhiều thành phố kể từ khi tòa án ra phán quyết nói trên, khiến chính phủ bảo thủ ở Tây Ban Nha phải cam kết xem xét lại luật chống các vụ tấn công tình dục. Khoảng 1,2 triệu người dân Tây Ban Nha đã ký vào bản kiến nghị trên mạng Internet đòi sa thải các thẩm phán tham gia vụ xét xử nói trên.
Trước áp lực dư luận, Tòa án Tối cao Tây Ban Nha đã phải lật lại bản án và tuyên án tội hiếp dâm. Sau đó, đạo luật mới cũng được trình xem xét và đến nay đã được thông qua.
Theo Đời sống và Pháp luật