3 triệu chứng hậu COVID-19 phổ biến nhất
Trong một bài viết đăng tải trên tạp chí Times of India, Tiến sĩ Janet Diaz, Trưởng nhóm Quản lý lâm sàng tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đa số các triệu chứng hậu COVID-19 thường kéo dài từ 2 tháng trở lên.
Theo Tiến sĩ Diaz, nếu các triệu chứng biến mất trong vòng 1 tháng thì tình trạng đó không được coi là hậu COVID-19. Có khoảng 200 triệu chứng bệnh xuất hiện ở giai đoạn hậu COVID-19, trong đó phổ biến nhất là mệt mỏi, khó thở và rối loạn chức năng nhận thức gây tình trạng sương mù não (suy giảm trí nhớ, mất khả năng tập trung).
Bên cạnh đó, giới chuyên môn cũng đề cập tới các bất thường tim mạch. Theo kết quả nghiên cứu các bệnh nhân COVID-19 ở Mỹ trong vòng 1 năm sau khỏi bệnh, nguy cơ tim mạch ở nhóm này tăng lên với các dạng như đột quỵ, nhồi máu cơ tim cấp, cục máu đông, có nguy cơ gây tử vong.
Tiến sĩ Diaz khuyến nghị cần đi khám sức khỏe nếu vẫn gặp phải các triệu chứng hậu Covid-19 sau 3 tháng mắc bệnh, hay còn gọi là tình trạng COVID kéo dài (long COVID).
Cách cải thiện các triệu chứng hậu COVID-19 đơn giản, ít tốn kém
WHO cho biết bất kỳ ai mắc COVID-19 đều có nguy cơ bị di chứng hậu COVID-19. Các nghiên cứu khoa học cho thấy khoảng 10%-20% bệnh nhân trải qua những tác động từ trung hạn đến dài hạn của COVID-19 sau khi đã khỏi bệnh. Những tác động trung và dài hạn này được gọi chung là tình trạng hậu COVID-19.
Theo chuyên gia WHO, không có phương pháp điều trị di chứng hậu COVID-19 chung cho mọi trường hợp mà phải tập trung vào các triệu chứng của từng người. Hiện cũng không có bất kỳ loại thuốc nào để điều trị biến chứng hậu COVID-19.
Tuy nhiên, giới chuyên môn nêu rõ có những phương pháp đơn giản, ít tốn kém và an toàn mà tất cả mọi người đều có thể thực hiện. Mới đây, các chuyên gia tại Anh đã gợi ý một số cách giúp cải thiện các triệu chứng hậu COVID-19.
Cụ thể, chuyên gia tại Đại học Exeter, Anh cho rằng để cải thiện tình trạng sương mù não, có thể huấn luyện não bộ bằng cách thực hiện các hoạt động kích thích nhận thức, như chơi đố chữ, học ngôn ngữ mới… Thêm vào đó, cần tăng tương tác xã hội thường xuyên và hạn chế tối đa tình trạng căng thẳng thần kinh.
Trong khi đó, để cải thiện triệu chứng khó thở, Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh hướng dẫn bài tập thở sâu từ 3-5 lần mỗi ngày. Người bệnh thả lỏng ngực và vai, hít một hơi dài, chậm và sâu vào bên trong, qua mũi, sau đó thở ra nhẹ nhàng.
Lưu ý, những người từng mắc COVID-19 nên hạn chế vận động, làm việc quá sức nếu còn mệt mỏi hoặc gặp tình trạng sương mù não.
Bệnh nhân COVID-19 cần làm gì sau khi âm tính?
Dù đã khỏi COVID-19, bệnh nhân vẫn cần tiếp tục theo dõi và nâng cao sức khỏe toàn diện, phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, dinh dưỡng và chăm sóc tinh thần, giấc ngủ.
- Tập thở: Hít vào, thở ra chậm, hít sâu dần dần và thở ra nhẹ nhàng không vội vã và nhịp độ tăng lên từng ngày.
- Tập thể dục: Hàng ngày vận động nhẹ nhàng như đi bộ chậm, tập thể dục nhẹ, đạp xe đạp rất chậm, tập dưỡng sinh. Tập theo các chương trình thể dục trên đài truyền hình mỗi sáng, nếu tự tập thì phải đảm bảo 30 phút mỗi ngày.
- Đi bộ: Một nghiên cứu cho thấy người trưởng thành khỏe mạnh có thể đi bộ khoảng từ 4.000 đến 18.000 bước/ngày tùy theo yêu cầu. Tuy nhiên , mục tiêu 10.000 bước/ngày là khá phù hợp cho người trưởng thành khỏe mạnh.
- Dinh dưỡng đúng: Nên chia bữa ăn thành 3-5 bữa mỗi ngày tùy theo sức ăn của người bệnh và kết hợp đa dạng thực phẩm trong khẩu phần ăn, ăn nhiều rau, trái cây, uống đủ nước, uống thêm nước ép trái cây, uống sữa, ăn chuối chín để bổ sung kali. Ngoài ra, nên ăn các loại thực phẩm có nhiều vi chất như cá, tôm, cua, hào, nghêu, sò…
- Chăm sóc sức khỏe tinh thần: Ngủ đủ giấc, nghe nhạc, thư giãn và trao đổi thông tin với mọi người xung quanh để cuộc sống trở lại bình thường.