Liên quan đến dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Đầu tư công được Quốc hội đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 6, ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nêu ý kiến, nên công khai đầy đủ thông tin của các dự án Đầu tư công để người dân giám sát.
Đại biểu Hoàng Văn Cường nói: “Tôi đồng tình quan điểm là trọng tâm sửa luật Đầu tư công lần này là nhằm tháo gỡ những vướng mắc về quy trình, thủ tục phức tạp có liên quan đến nhiều cơ quan, nhiều cấp, vừa làm mất thời gian, vừa không gắn quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc quyết định chủ trương và phê duyệt các dự án đầu tư”.
Một trong những nội dung mà vị ĐBQH đoàn Hà Nội quan tâm, đó là về vấn đề hội đồng thẩm định trong quy trình lập, phê duyệt chủ trương dự án đầu tư công.
Theo ông Cường, trong quy trình hiện hành khi phê duyệt chủ trương, dự án đầu tư thì đều có một bước thành lập các hội đồng thẩm định để dựa trên ý kiến của hội đồng này thì các cấp thẩm quyền sẽ ra quyết định phê duyệt.
Tuy nhiên, Đại biểu Cường nhìn nhận: “Có nhiều ý kiến cho rằng việc thành lập các hội đồng thẩm định thực chất là việc hình thức hóa hay hợp pháp hóa ý kiến, ý chí chủ quan của người có thẩm quyền. Người đó sẽ quyết định bằng “bình phong” là hội đồng để khi có hậu quả xảy ra thì quyết định đầu tư dù có không đúng thì cũng không ai phải chịu trách nhiệm, bởi vì đây là ý kiến của hội đồng đưa ra.
Nếu như cứ tiếp tục duy trì cơ chế lấy hội đồng làm “lá chắn” như thế này thì chắc trong tương lai sẽ có nhiều dự án đầu tư công thất thoát hoặc đầu tư không đúng nhưng cuối cùng không ai phải chịu trách nhiệm”.
Đại biểu Cường nhấn mạnh: “Do vậy, tôi đề nghị cần quy định lại quy trình là đơn vị đề xuất đầu tư phải lập và chịu trách nhiệm về thông tin, về hồ sơ dự án. Đơn vị và cơ quan có chức năng quản lý đầu tư phải chịu trách nhiệm về thẩm định dự án.
Nếu như cơ quan thẩm định hoặc người có quyền quyết định chưa đủ thông tin, cần phải tham khảo thêm thì có thể thuê chuyên gia hoặc thành lập các hội đồng nhưng hội đồng này chỉ là những hội đồng tư vấn chứ không phải là căn cứ để ra các quyết định đầu tư.
Việc quy định như trên vừa rút gọn, đơn giản hóa quy trình, rút gọn thời gian phê duyệt dự án. Vừa làm rõ quyền hạn, trách nhiệm của mỗi một cơ quan và người đứng đầu trong các quy trình, quyết định đầu tư công”.
Liên quan đến vấn đề công khai, minh bạch trong đầu tư công, Đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích: “Dự án đầu tư công là dự án sử dụng tiền công nên phải công khai cho dân biết chi tiết đầu tư làm gì, đầu tư như thế nào, việc sử dụng vào đó yếu tố đầu tư làm sao cũng như giải pháp quy trình kỹ thuật được thi công.
Trong quy định hiện hành của luật Đầu tư công đã có Điều 14 về công khai minh bạch trong đầu tư công. Tuy nhiên, trong nội dung quy định của Điều 14 chỉ quy định những vấn đề chung còn vấn đề mà người dân cần được biết, cần quan tâm đến dự án lại không thấy”.
Đại biểu Cường nêu quan điểm: “Tôi cho rằng, trong Điều 14 về công khai minh bạch trong đầu tư công cần quy định công khai chi tiết đầy đủ toàn bộ hồ sơ dự án đầu tư để người dân được biết, chỉ trừ dự án đầu tư thuộc dạng bí mật nhà nước hoặc công trình về quốc phòng, an ninh quan trọng quốc gia thì không cần công khai.
Nếu công khai đầy đủ các thông tin của dự án về nội dung, về các hạng mục đầu tư, quy trình kỹ thuật cũng như quá trình triển khai, tôi tin rằng công chúng sẽ là những người biết rất rõ. Khi đó không thể có khuất tất trong quá trình như thiết kế, thẩm tra cũng như không thể có cắt xén hay gian dối trong quá trình thi công và thực hiện dự án.
Đây là cơ sở quan trọng để thực hiện quyền giám sát của người dân, của cộng đồng cũng như Mặt trận tổ quốc khi thực hiện giám sát đầu tư công”.
Nguyễn Hường