Tuy nhiên, cũng chính ông sau đó đã ban hành liên tiếp các Quyết định Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (QĐ ADBPKCTT) chưa phù hợp với quy định pháp luật và xâm phạm lợi ích của VK Housing?
Nội dung khởi kiện từng bị “bác bỏ”
Liên quan đến vụ tranh chấp hợp đồng góp vốn giữa nguyên đơn là Công ty CP Phát triển và Kinh doanh Nhà (HDTC) và bị đơn là Công ty Daewoo Star Brigde (DWS - doanh nghiệp Hàn Quốc), ngày 17/4/2018, Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã có văn bản số 426/VPCP-TH mời Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên & Môi trường cùng Thanh tra Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao và UBND TP.HCM tham dự cuộc họp giải quyết những vấn đề liên quan tranh chấp tại dự án The Mark. Đây được cho là một động thái “khẩn cấp” của VPCP sau khi VK Housing, DWS liên tục gửi đơn cầu cứu đến VPCP và các Bộ, ban, ngành...
Trước đó như đã phản ánh, thời điểm HDTC bắt đầu quá trình kiện cáo của mình, VPCP và các Bộ, ngành Trung ương đã có ít nhất 2 lần đưa ra kết luận về vụ việc. Trong đó, VPCP và UBND TP.HCM đã có kết luận đồng ý với quyết định công nhận tư cách thành viên góp vốn của DWS tại VK Housing, đồng thời cho phép chủ đầu tư tiếp tục triển khai dự án và giãn tiến độ thi công. Ngoài ra, Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an cũng đã có văn bản kết luận việc HDTC tố cáo VK Housing giả mạo giấy tờ chuyển nhượng góp vốn là không có cơ sở; Cơ quan CSĐT - Bộ Công an (C45) cũng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự theo đơn tố giác tội phạm của HDTC.
Tuy nhiên, theo VK Housing, HDTC vẫn cố gắng níu kéo hy vọng lấy lại khu đất vốn đã thuộc sở hữu hợp pháp của VK Housing bằng cách gửi đơn khởi kiện DWS lên TAND TP.HCM. Theo đó, HDTC cho rằng quá trình chuyển nhượng vốn góp giữa 2 thành viên cũ cho DWS là sai quy định, đồng thời yêu cầu Tòa hủy Giấy Chứng nhận đầu tư và Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của VK Housing.
Đại diện VK Housing cho rằng, những cáo buộc và yêu cầu trên của HDTC không khác với những tố cáo trước đó đã được VPCP và các Bộ, ban, ngành giải quyết.
Tuy vậy, theo đại diện VK Housing, họ không hiểu tại sao TAND TP.HCM lại bất ngờ quyết định thụ lý vụ án theo đơn khởi kiện của HDTC. “Phải chăng, TAND TP.HCM không hề biết tới những kết luận trước đó từ Trung ương? Hay TAND TP.HCM cho rằng kết luận giải quyết trước đó của Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ban, ngành là sai lầm và không có giá trị?”, đại diện VK Housing đặt dấu hỏi.
Quyết định ADBPKCTT chưa phù hợp?
Sau khi VK Housing và DWS liên tục có đơn thư cầu cứu và qua phản ánh của báo chí, TAND TP.HCM đã có động thái xử lý vụ việc. Theo đó, ngày 22/8/2017, TAND TP.HCM đã ban hành QĐ số 575/2017/QĐST-DS, tạm đình chỉ vụ án dân sự giữa HDTC và DWS với lý do vụ án đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng chưa nhận được kết quả ủy thác tư pháp theo văn bản số 152/TTTPDS-TA30 ngày 20/6/2017 của TAND TP.HCM. Trong quyết định trên cũng nêu rõ, vụ án sẽ tiếp tục được giải quyết khi lý do tạm đình chỉ không còn...
Tuy nhiên, theo VK Housing sau đó không lâu, thẩm phán Đỗ Khắc Tuấn, thẩm phán TAND TP.HCM tiếp tục ban hành liên tiếp các QĐ ADBPKCTT theo yêu cầu của HDTC. Cụ thể, QĐ 298/2017/QĐ-BPKCTT ngày 20/12/2017; QĐ 30/2018/QĐ-BPKCTT ngày 23/01/2018 buộc VK Housing giao đất cho HDTC tạm quản lý dù rằng các bên không hề tranh chấp phần đất thực hiện dự án. Đồng thời, việc VK Housing quản lý, sử dụng đất không hề ảnh hưởng tới việc giải quyết của Tòa.
Còn theo đại diện DWS, họ hết sức bất ngờ về các quyết định được tòa án đưa ra. “Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ tống đạt nào từ Tòa liên quan đến việc khởi kiện của HDTC. Trong khi đó, VK Housing mới là chủ đầu tư thực sự của dự án và chỉ là đơn vị liên quan, việc đưa ra quyết định ADBPKCTT ảnh hưởng trực tiếp tới VK Housing và tiến độ dự án”, đại diện DWS bức xúc.
Theo ước tính của VK Housing, con số thiệt hại hiện tại của Công ty đã lên đến hàng triệu USD. “Ai, đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm cho thiệt hại của chúng tôi? Là Tòa án, Thẩm phán Đỗ Khắc Tuấn, HDTC hay cuối cùng lại chính chúng tôi phải gánh chịu một mình!?”, đại diện VK Housing bức xúc lên tiếng về trách nhiệm.
Theo Thạc sĩ - Luật sư Phan Mạnh Thăng, Đoàn Luật sư TP.HCM, Luật sư cộng sự chi nhánh Văn phòng luật sư Minh Thiên tại TP. HCM:
Việc Tòa ban hành QĐ ADBPKCTT số 298/2017/QĐ-BPKCTT được quy định tại Khoản 12 Điều 114 và Điều 127 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 về việc "Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định" là chưa phù hợp vì những lẽ sau:
Thứ nhất, về bản chất, đây là một tranh chấp hợp đồng góp vốn, không phải tranh chấp quyền sử dụng đất. Việc buộc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan giao đất trong trường hợp này là không phù hợp và không liên quan với nội dung tranh chấp.
Thứ hai, cơ sở để thực hiện việc buộc thực hiện hành vi nhất định theo quy định của luật là nếu không giao đất thì sẽ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hoặc ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Theo nội dung vụ án thì biện pháp khẩn cấp tạm thời không phục vụ cho cơ sở và mục đích trên. Giao đất cho người này hay người khác không làm vụ án được giải quyết nhanh hơn. Ngược lại, việc áp dụng biện pháp này đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị áp dụng chứ không phải đảm bảo quyền và lợi ích của người được áp dụng.
Thứ ba, "cấm" hoặc "buộc" thực hiện một hành vi nhất định không thể được diễn giải thành "giao quyền chiếm giữ tài sản" theo cách hiểu của QĐ ADBPKCTT được.
Về việc ra QĐ ADBPKCTT trong thời gian vụ án tạm đình chỉ không trái với quy định tại Điều 214 BLTTDS.
Theo Công Luận