Nguồn thu “khủng” từ việc kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe khiến nhiều tổ chức, cá nhân đã không ngại “lách luật” để giới thiệu và bán sản phẩm, từ khâu quảng cáo sai quy định cho đến việc thổi phồng công dụng của sản phẩm dẫn đến gây hoang mang cho dư luận và người tiêu dùng.
Quảng cáo sản phẩm dưới 6 tháng tuổi
Thông tư số 08/2014/TT-BYT của Bộ Y tế nêu rõ: Thực phẩm chức năng dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh. Tuỳ theo công dụng, hàm lượng vi chất và hướng dẫn sử dụng còn có tên gọi khác là thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học.
Theo Khoản 1 Điều 6, Nghị định 100/2014/NĐ-CP quy định về quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ nêu rõ: Nghiêm cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi; thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo dưới mọi hình thức; sử dụng hình ảnh bào thai hoặc trẻ nhỏ trong quảng cáo sữa dùng cho phụ nữ mang thai.
Theo ghi nhận, một địa chỉ website có tên miền http://purelac.vn hiện đang quảng cáo 3 sản phẩm sữa non nhập khẩu từ New Zealand có tên PureLac Royal+ (Stage 1), PureLac Royal+ (Stage 2), PureLac Royal+ (Stage 3). Tuy nhiên, sản phẩm có tên PureLac Royal+ (Stage 1) dành cho trẻ từ 0 – 6 tháng tuổi mặc dù nằm trong quy định cấm quảng cáo nhưng vẫn được website này niêm yết và rao bán với giá 850.000 đồng/hộp. Thậm chí, trên website http://purelac.vn còn sử dụng những lời quảng cáo vô cùng chuyên nghiệp: “Nhờ có hệ dưỡng chất Synbiotics (Prebiotics + Probiotics) với số lượng lên tới 500 triệu lợi khuẩn CFU mỗi ngày, giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, tăng cường miễn dịch, tăng cường hấp thu, chống táo bón và các chứng rối loạn tiêu hóa khác,…”.
Được biết, website này đã thông báo với Bộ Công Thương do công ty cổ phần hỗ trợ phát triển công nghệ Detech quản lý có địa chỉ tại số 8 Tôn Thất Thuyết, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
“Thổi phồng” công dụng của thực phẩm bảo vệ sức khỏe
Chưa dừng lại ở đó, một website khác có tên miền http://suanon.colomi.vn cũng đang quảng cáo 3 sản phẩm sữa non sản xuất trong nước có tên Colomi 130, Colomi 200, Colomi 350. Mặc nhiên, website này cũng sử dụng những lời giới thiệu “có cánh” để thổi phồng công dụng của 3 sản phẩm sữa non này như: “Sữa non Colomi đặc biệt cần cho trẻ mắc bệnh tự miễn, đang hoặc sau điều trị bệnh cần sớm phục hồi,… Tăng sức đề kháng, phòng chống bệnh tật, ngăn ngừa táo bón, đầy hơi, nôn trớ,…”.
Khoản 15, Điều 6 của Luật Dược số 105/2016/QH13 ngày 06/04/2016 cũng nêu rõ những hành vi bị nghiêm cấm: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.
Mượn danh bác sĩ để quảng cáo
Khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: “Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”.
Không ngoại lệ, website http://suanon.colomi.vn và một website nữa có tên http://colomi.com.vn cũng đang sử dụng hình ảnh, thông tin của rất nhiều những chuyên gia, bác sĩ để quảng cáo, khuyên người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm sữa non của công ty mình như: Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Lê Đình Khái (Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hòa dân chủ Đức); Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Gia Điền (Viện Hàn lâm Bungari); Chuyên gia dinh dưỡng ThS.Vivian Kitum; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trạch – Chuyên gia hàng đầu về tiêu hóa;…
Website chưa thông báo với Bộ Công Thương
Khi PV kéo xuống cuối website http://colomi.com.vn thì thông tin của công ty Detech đều được hiển thị đầy đủ: “Công ty cổ phần hỗ trợ phát triển công nghệ Detech, địa chỉ tại số 8 Tôn Thất Thuyết, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Giấy phép ĐKKD: 0101314443, ngày cấp: 18/11/2002”. Ngoài ra, cuối website này cũng hiển thị địa chỉ của trụ sở chính trùng với công ty Detech nhưng lại với tên gọi khác là Tập đoàn Detech.
Điều đáng nói là hai website này đều có hoạt động xúc tiến thương mại điện tử là sử dụng để giới thiệu, quảng cáo bán hàng cho các sản phẩm sữa non của Công ty mình nhưng cuối trang website đều không có logo xác nhận màu xanh là đã thông báo với Bộ Công Thương.
Để kiểm tra tính xác thực của các website này, PV đã truy cập vào hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công Thương để tra cứu thì kết quả hiển thị là đều không có dữ liệu, chứng tỏ hai địa chỉ website này đều chưa được thông báo với Bộ Công Thương.
Khoản 8, Điều 3 Nghị định Số: 52/2013/NĐ-CP về Thương mại điện tử (TMĐT) nêu rõ: “Website thương mại điện tử là trang thông tin điện tử được thiết lập để phục vụ một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động mua bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ, từ trưng bày giới thiệu hàng hóa, dịch vụ đến giao kết hợp đồng, cung ứng dịch vụ, thanh toán và dịch vụ sau bán hàng”.
Hiểu rõ hơn thì website TMĐT chia làm hai loại: Website cung cấp dịch vụ TMĐT và website TMĐT bán hàng. Trong đó, website TMĐT bán hàng là website TMĐT do các thương nhân, tổ chức, cá nhân tự thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình. Do vậy, tất cả các website TMĐT bán hàng đều phải thông báo với Bộ Công Thương và có logo xác nhận màu xanh.
Ngoài ra, dù không bán hàng trực tuyến mà chỉ cần có hoạt động xúc tiến thương mại như quảng cáo sản phẩm, dịch vụ, giới thiệu bằng hình ảnh, thông tin,… cũng được xếp vào website TMĐT bán hàng.
Để có thông tin khách quan đến độc giả, PV đã có buổi làm việc với ông Vũ Tam Bách - đại diện công ty Detech, tại buổi làm việc, ông Bách cho biết: “Website colomi.com.vn chúng tôi thông báo với Bộ Công Thương rồi nhưng đang chờ cấp phép. Về phía chuyên gia thì không được thông tin trên báo chí thôi, còn trên website các chuyên gia hay bác sĩ trả lời thì chúng tôi đưa lên là bình thường”.
Vị đại diện còn cho rằng: “Sản phẩm Purelac 1 không được cấp giấy phép quảng cáo, còn trên website không gọi là quảng cáo mà là giới thiệu sản phẩm của Công ty. Website là nhà của tôi nên tôi được giới thiệu, nếu quảng cáo theo một đơn vị khác thì mới gọi là quảng cáo”.
Diễn đàn pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.