Như Diễn đàn pháp luật đã đưa tin trong bài: “Công ty Lavenza Nutrition & Health quảng cáo sản phẩm trái quy định” phản ánh về việc website của công ty CP Lavenza Nutrition & Health quảng cáo sản phẩm trái quy định, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Cụ thể, sản phẩm dinh dưỡng sữa non Lavenza Nutri+ được phân phối bởi công ty CP Lavenza Nutrition & Health có địa chỉ tại tầng 2, tòa nhà Trung Yên 1, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội. Sản phẩm được sản xuất tại công ty TNHH thảo dược Thanh Hằng có địa chỉ tại thôn Yên Viên, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đã được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (ATVSTPHN) cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 6577/XNQC-YTHN.
Mặc dù chỉ là sản phẩm sữa non thông thường hỗ trợ phát triển của trẻ nhỏ nhưng sản phẩm sữa non Lavenza Nutri+ lại được quảng cáo có tác dụng chữa bệnh, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng. Trên website lavenza.vn của công ty CP Lavenza Nutrition & Health quảng cáo và giới thiệu sản phẩm sữa non Lavenza Nutri+ với công dụng như chống lại loãng xương, bổ sung canxi cho cơ thể với mức giá dành cho khách hàng không hề rẻ.
Ngoài ra, trong giấy phép nội dung quảng cáo không được sử dụng hình ảnh chuyên gia y tế, nhưng công ty Lavenza Nutrition & Health đã quảng cáo sản phẩm sữa non Lavenza Nutri+ bằng những hình ảnh của các tổ chức và chuyên gia y tế nhằm tăng sức thuyết phục, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng. Cụ thể, trên website lavenza.vn đã dùng hình ảnh Bs. Đinh Ngọc Hoa - nguyên bác sĩ Chuyên khoa bệnh viện Saint Paul; PGS.Ts.Bs. Trần Đình Toán – Viện trưởng Viện dinh dưỡng để quảng cáo cho sản phẩm của Công ty.
PV đã liên hệ với Chi cục ATVSTP Hà Nội để phản ánh về sự việc trên, ngày 31/12/2020, trong công văn số 463/CCATVSTP trả lời báo chí, Chi cục ATVSTP Hà Nội cho biết: “Website lavenza.vn của công ty CP Lavenza Nutrition & Health có sử dụng hình ảnh, tên, chức danh của bác sĩ là vi phạm Khoản 2, Điều 27, Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ”.
Theo MST số 0109210647, Công ty CP Lavenza Nutrition & Health đã đăng ký địa chỉ tại tầng 2 tòa nhà Trung Yên 1, Khu đô thị Trung Yên, Phường Trung Hoà, Quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội, Việt Nam do ông Lê Hữu Huỳnh làm đại diện. Tuy nhiên ngày 22/03/2021, tại biên bản Báo cáo nhanh kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm của Phòng Công tác thanh tra – Chi cục ATVSTPHN lại cho biết rằng: “Đoàn đã kiểm tra tại địa chỉ tầng 2 tòa nhà Trung Yên 1, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội không có công ty CP Lavenza hoạt động”.
Cũng trong trường hợp tương tự, công ty TNHH thương mại dịch vụ Lifestyle có địa chỉ tại số 70, lk 6B KĐT làng Việt kiều Châu Âu, phường Mộ Lao, quận Hà Đông là công ty phân phối sản phẩm sữa thảo dược trùm ngây Babego đã thường xuyên dùng hình ảnh bác sĩ để quảng cáo và sử dụng nhiều từ ngữ thổi phồng công dụng của sản phẩm.
Trong công văn số 06/CCATVSTP trả lời báo chí, Sở Y tế Hà Nội – Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm nêu rõ: "Trên website babego.vn của công ty TNHH Lifestyle Việt Nam có sử dụng hình ảnh, tên, chức danh của bác sĩ, nhân viên y tế là vi phạm Khoản 2, Điều 27, Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ. Chi cục sẽ giao cho phòng Thanh tra để tham mưu kiểm tra và xử lý vi phạm".
Trước những vi phạm của Công ty, trong biên bản báo cáo nhanh của Phòng Công tác thanh tra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội sau quá trình kiểm tra lại không đưa ra bất kỳ hình thức xử phạt nào đối với công ty TNHH Thương mại dịch vụ Lifestyle.
Có thể thấy, gần 3 tháng sau khi báo chí phản ánh, Chi cục ATVST mới có động thái kiểm tra trực tiếp cơ sở vi phạm nhưng không phát hiện và xử phạt sai phạm của các Công ty này với rất nhiều lý do đơn giản được đưa ra như: Đóng địa chỉ website, không tìm thấy địa chỉ tồn tại của công ty…
Theo Nghị định số: 158/2013/NĐ-CP xử phạt hành chính trong lĩnh vực quảng cáo.
Điều 50. Vi phạm quy định về quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo.
1. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
c) Quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, bình bú và vú ngậm nhân tạo.
Điều 51. Vi phạm quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo.
5. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, phương thức phục vụ, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản, bảo hành của hàng hóa, dịch vụ,…
b) Quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo.
Diễn đàn pháp luật sẽ tiếp tục thông tin