Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Hậu thượng đỉnh liên Triều, nhiều nỗi lo trong cuộc gặp với Mỹ?

Hậu thượng đỉnh liên Triều, nhiều nỗi lo trong cuộc gặp với Mỹ?
Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới có thể sẽ có nhiều "đất" để tận dụng theo hướng có lợi, nhưng cũng có thể gây ra thảm họa nếu hai bên có các hành động bất ngờ khiến đối phương không hài lòng.

So với hai lần trước, cuộc gặp cấp cao liên Triều lần thứ ba vừa diễn ra ở Bàn Môn Điếm nổi bật hơn hẳn về những biểu thị ngoại giao của lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc, ông Kim Jong-un và ông Moon Jae-in, và nổi trội hơn hẳn về nội dung kết quả.

Chỉ cần nhìn vào phần công khai của kịch bản cuộc thượng đỉnh và cách thức, biểu hiện thái độ hai vị này đón chào nhau, nói chuyện với nhau thì có thể dễ dàng nhận thấy là sự kiện này đã được dàn dựng kịch bản và chuẩn bị rất kỹ, với mức độ thiện chí và đồng thuận quan điểm rất cao. Vì thế, có thể lạc quan để tiên liệu được là sự kiện sẽ thành công. Nội dung của bản Tuyên bố Bàn Môn Điếm về hoà bình, thịnh vượng và thống nhất trên bán đảo Triều Tiên đã chứng thực điều ấy.

Hậu thượng đỉnh liên Triều, nhiều nỗi lo trong cuộc gặp với Mỹ?
Người dân Hàn Quốc về cuộc họp thượng đỉnh liên Triều. 

Tuyên bố chung nêu rõ Hàn Quốc và Triều Tiên xác nhận mục tiêu chung trong việc giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên; tích cực thúc đẩy các cuộc đàm phán 3 bên, bao gồm hai miền Triều Tiên và Mỹ, hoặc cơ chế đàm phán 4 bên, bao gồm cả Trung Quốc, để tiến tới ký hiệp định hòa bình, chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên và xây dựng nền hòa bình vững chắc, lâu dài. 

Hai bên cũng nhất trí xúc tiến tổ chức chuyến thăm của Tổng thống Moon Jae-in đến Bình Nhưỡng vào cuối năm nay. 

Có hoà bình, tức là chấm dứt tình trạng chiến tranh và mọi hành động thù địch lẫn nhau, thì mới có thể có được thịnh vượng cho cả hai bên. Có hoà bình và hợp tác cùng phát triển thịnh vượng thì mới có thể tính đến chuyện thống nhất đất nước.

Thông điệp ngầm của họ gửi tới Mỹ và Trung Quốc là một khi hai miền trên bán đảo cùng hướng tới hoà bình và thống nhất thì hai nước kia không thể cản.

Ngày 28/4, phát biểu sau cuộc điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thảo luận về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên sắp tới, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định "mọi thứ đang diễn ra rất tốt đẹp."

Bóng đến chân ông Trump?

Nếu thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra và ông Trump trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên mặt đối mặt với một nhà lãnh đạo Triều Tiên, đâu sẽ là ưu tiên đàm phán hàng đầu? Chính là vấn đề phi hạt nhân hóa!

Trong Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm, phi hạt nhân hóa được nhắc đến như sau: Hàn Quốc và Triều Tiên cùng chung mục đích tiến tới "bán đảo Triều Tiên không có hạt nhân, thông qua tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn". Tuy nhiên, chính Bình Nhưỡng đã hứa như vậy trong các thỏa thuận với Seoul (năm 1992) và Washington (năm 1994) song tới nay, thực tế chứng minh điều ngược lại. Giờ đây, với khoảng 20-60 đầu đạn hạt nhân trong tay, ông Kim Jong-un sẽ sẵn lòng từ bỏ chúng? Từ bỏ toàn bộ hay chỉ một phần? Trong bao lâu? Làm sao để kiểm chứng?

Hậu thượng đỉnh liên Triều, nhiều nỗi lo trong cuộc gặp với Mỹ?
Khoảnh khắc ông Kim Jong Un nắm tay ông Moon Jae In đi sang phần lãnh thổ Triều Tiên

Hãng tin Bloomberg cho rằng trong khi người Mỹ nghĩ "phi hạt nhân hóa" tức là Triều Tiên phải từ bỏ các chương trình và hạt nhân thì Bình Nhưỡng lại nghĩ Washington phải rút hết các khí tài hạt nhân dùng để bảo vệ đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản.

Nhiều chuyên gia nghi ngờ ông Kim chịu phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Thay vào đó, họ cho là nhà lãnh đạo trẻ muốn đạt được thỏa thuận 50/50 - tức là vừa có hỗ trợ để phát triển kinh tế Triều Tiên vừa giữ được phần nào kho vũ khí hạt nhân để tạo sức mạnh răn đe. 

"Nếu thiếu một kế hoạch chi tiết trong khoảng 2-3 năm, hầu hết cam kết sẽ chỉ là hứa hẹn không hơn không kém" - ông David Albright, Chủ tịch Viện Khoa học và quốc tế (Mỹ), nói với báo USA Today. 

Theo cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman, phải tập hợp đội ngũ chuyên gia thương thuyết, thanh sát viên vũ khí quốc tế cũng như đồng thuận thuật ngữ "phi hạt nhân hóa". 

Ông Kim là một nhân vật đối với thế giới hiện còn nhiều . Các quan chức tình báo Mỹ hôm 26/4 tiết lộ với hãng tin Reuters rằng họ sẽ theo dõi chặt chẽ thượng đỉnh liên Triều và phân tích những gì ông Kim nói cũng như ngôn ngữ hình thể của ông.

Điều này là để tình báo Mỹ "giải mã" nhiều hơn về ông Kim, nhằm giúp Tổng thống Mỹ Donald Trump nắm các thông tin về đối phương kiểu "biết người biết ta, trăm trận trăm thắng" trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới.

Tình báo Mỹ đánh giá ông Kim kiên định và sáng suốt. Tuy nhiên, việc bất ngờ mời ông Moon bước sáng phần biên giới Triều Tiên cho thấy có thể ông là người có tính bột phát. Nó có thể gây trở ngại cho chính quyền ông Trump trong việc tìm ra chiến lược hợp lý trong đàm phán sắp tới.

Hậu thượng đỉnh liên Triều, nhiều nỗi lo trong cuộc gặp với Mỹ?
Ông Kim Jong Un cùng vợ dự tiệc tối với vợ chồng ông Moon Jae In ở Nhà Hòa bình tối 27/4.

Chính ông Trump cũng là người thường xuyên đưa ra các quyết định bột phát. Nếu sự tương đồng trong tính cách trên là đúng, thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới có thể sẽ có nhiều "đất" để tận dụng theo hướng có lợi, nhưng cũng có thể gây ra thảm họa nếu hai bên có các hành động bất ngờ khiến đối phương không hài lòng.

Văn Anh (TH)

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.7 9 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.32846 sec| 646.273 kb