Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Sài Gòn Skyview: Tiềm ẩn rủi ro khi mua 'lúa non' từ góc nhìn pháp lý?

Sài Gòn Skyview: Tiềm ẩn rủi ro khi mua 'lúa non' từ góc nhìn pháp lý?
Dự án Sài Gòn Skyview đang được hàng loạt sàn giao dịch lách luật huy động vốn bằng cách nhận đặt cọc giữ chỗ, chuyên gia pháp luật cho rằng, hãy là người thông thái trước khi “xuống tiền” mua lúa non tại các dự án chưa đủ điều kiện pháp lý

Như Phapluatnet đã phản ánh, dự án Sài Gòn Skyview do Công ty Sài Gòn 5 làm chủ đầu tư và đang trong quá trình xây dựng phần móng. Theo chính đại diện của công ty này khẳng định, hiện tại dự án mới đang trong giai đoạn ép cọc và đã hoàn thành được 20% giai đoạn này, theo dự kiến khoảng tháng 9/2018 mới đủ điều kiện bán căn hộ.

Dù chủ đầu tư quả quyết như vậy nhưng thực tế, dự án Sài Gòn Skyview đã được đơn vị phân phối chính thức là Công ty Đất Xanh Miền Nam và hàng loạt sàn giao dịch, công ty như An Gia Real; Vinaland Group; Lộc Phát Land… lại đang tiến hành “bán lúa non” dự án này.

Sài Gòn Skyview: Tiềm ẩn rủi ro khi mua 'lúa non' từ góc nhìn pháp lý?
Dự án Sài Gòn Skyview đang được các sàn giao dịch huy động vốn trái phép

Theo đại diện Công ty Sài Gòn 5 cho biết, khi ký thỏa thuận thì Đất Xanh miền Nam chỉ phân phối dự án theo đúng quy định của pháp luật. Việc đơn vị phân phối nhận đặt cọc giữ chỗ là theo tình hình chung của thị trường, nếu đơn vị này làm sai thì phải tự chịu trách nhiệm.

“Khách hàng tự nguyện đóng 30 triệu để tìm hiểu thông tin, khách hàng có thể lấy lại bất cứ khi nào cho tới khi đặt cọc, khi khách hàng đóng tiền thì sẽ được ưu tiên lựa chọn căn hộ khi mở bán”, theo đại diện Công ty Sài Gòn 5 cho hay.

Do đó, việc đơn vị phân phối và các công ty khác đang lách luật huy động vốn trái phép suốt thời gian qua phía Công ty Sài Gòn 5 đều nắm rõ nhưng không hiểu vì sao công ty này vẫn để mặc cho các đối tác “tự tung tự tác”.

Trước việc này, nhiều khách hàng đặt ra nghi vấn, phải chăng chủ đầu tư dự án Sài Gòn Skyview không đủ năng lực tài chính để thực hiện dự nên đã cố tình để đơn vị phân phối huy động vốn trái quy định của pháp luật.

Theo chuyên gia pháp luật Bùi Hồng Tiết (Công ty TNHH Vũ Gia Luật) cho rằng, nhà ở hình thành trong tương lai là kênh đầu tư tốt nhưng họ cũng đối mặt với những thử thách, rủi ro mà nếu không được tư vấn kỹ và am hiểu để xử lý, tổn thất là không hề nhỏ.

Chuyên gia Bùi Hồng Tiết cho hay, hiện nay có rất nhiều chủ đầu tư, đơn vị phân phối lách luật huy động vốn bằng cách nhận đặt cọc, giữ chỗ khi dự án chưa đủ điều kiên mở bán. Do đó, trước khi có ý định mua dự án nào khách hàng nên là một nhà đầu tư thông thái, tìm hiểu rõ về dự án, chủ đầu tư cũng như hợp đồng thỏa thuận giữa hai bên để tránh trường hợp “chuyện đã rồi” khi xảy ra tranh chấp.

Về việc các chủ đầu tư đang cố tình lách luật nhằm huy động vốn, chuyên gia Tiết cho rằng, tất cả các doanh nghiệp cần phải thượng tôn pháp luật thì mới phát triển bền vững và đem lại lòng tin cho khách hàng.

Về quy định bán nhà hình thành trong tương lại, Luật sư Tiết cho hay, tại khoản 1 Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản 2014, bất động sản hình thành trong tương lai muốn được đưa vào kinh doanh phải đáp ứng các điều kiện nhất định phải đầy đủ về mặt pháp lý. Bên cạnh đó, đối với chung cư thì để đủ điều kiện huy động vốn phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó, Chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua.

Cũng theo Luật sư này phân tích, thực tế hiện nay nhiều sàn giao dịch đang tiếp tay cho chủ đầu tư huy động vốn một cách trái phép khi dự án mới chỉ đang trong “trứng nước”, điều này là vi phạm pháp luật. Bởi theo Điều 72 Luật kinh doanh bất động sản năm 2014 nêu rõ, các sàn giao dịch phải bảo đảm về việc bất động sản được đưa lên sàn giao dịch đã có đủ điều kiện để được tiến hành giao dịch.

Bên cạnh đó, tại điểm a, khoản 2 Điều 19 Nghị định số 99/2015 hướng dẫn Luật Nhà ở quy định: “Chủ đầu tư không được áp dụng hình thức huy động vốn để phân chia sản phẩm nhà ở hoặc để ưu tiên đăng ký, đặt cọc, hưởng quyền mua nhà ở hoặc để phân chia quyền sử dụng đất trong dự án cho bên được huy động vốn, trừ trường hợp góp vốn thành lập pháp nhân mới để được Nhà nước giao làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở”.

Chuyên gia Bùi Hồng Tiết khuyến cáo, khi thực hiện giao dịch với các dự án chưa đủ điều kiện pháp lí, người mua nhà sẽ rất bất lợi. Bởi lẽ, pháp luật chưa có quy định cụ thể đối với việc đặt cọc để bảo đảm cho việc ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán các tài sản hình thành trong tương lai. Chính vì thế, nếu xảy ra tranh chấp với chủ đầu tư, tòa án có thể tuyên là hợp đồng vô hiệu.

Chính vì thế, để tránh các rủi ro về hồ sơ pháp lý, rủi ro về tài chính... người mua cần phải nắm được các quy định pháp lí để tự bảo vệ mình. Cùng với đó, khách hàng nên hết sức cảnh giác với các loại hợp đồng đặt cọc quyền mua căn hộ.

Sài Gòn Skyview: Tiềm ẩn rủi ro khi mua 'lúa non' từ góc nhìn pháp lý?
Chuyên gia pháp luật Bùi Hồng Tiết nhận định về rủi ro của khách hàng khi mua "lúa non"

Với việc dự án Sài Gòn Skyview chưa đủ điều kiện về pháp lý để huy động vốn mà Công ty Đất Xanh miền Nam cùng nhiều công ty khác lại nhanh tay thu tiền đặt cọc, giữ chỗ là nhằm mục đích gì?

Do đó, Phapluatnet đề nghị các sở ban ngành liên quan của TP. Hồ Chí Minh cần xác mình làm rõ bản chất, trách nhiệm của các đơn vị có dấu hiệu huy động vốn trái phép tại dự án Sài Gòn Skyview.

Phapluatnet sẽ tiếp tục thông tin về vu việc!

Minh Tuấn - Trần Hiền

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.7 9 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.20563 sec| 658.32 kb