Nhà thơ Phan Vũ tên thật là Trần Hồng Hải, sinh năm 1926 tại Hải Phòng. Sau một thời gian đi bộ đội, ông chuyển sang hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp.
Ngoài viết thơ, ông còn là nhà viết kịch với những tác phẩm được công chúng mến mộ như: “Lửa cháy lên rồi” (giải thưởng Văn học năm 1955), “Thanh gươm và Bà mẹ”, kịch bản phim “Dòng sông âm vang”. Ông còn hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, là đạo diễn của các phim như: “Bí mật thành phố cấm”, “Như một huyền thoại”.
Nhà thơ Phan Vũ là tấm gương của sự cần mẫn với công việc, ông miệt mài làm việc đến những năm tháng cuối đời. Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, khi đã ngoài 70 tuổi, ông chú tâm đến với hội họa và đã có 9 cuộc triển lãm tranh trong và ngoài nước. Ở tuổi ngoài 90, ông vẫn miệt mài làm việc. Tập thơ cuối cùng của ông mới ra mắt vào tháng 4/2018 là "Ta còn em", trong đó có trọn vẹn bài thơ "Em ơi, Hà Nội phố" (nhạc sĩ Phú Quang đã lấy 21 câu để phổ nhạc). Tháng 7/2018, ông mở triển lãm tranh "Em ơi, Hà Nội phố" tại TP Hồ Chí Minh, trưng bày 25 tác phẩm sơn dầu.
Tác phẩm khiến nhà thơ Phan Vũ được yêu mến nhiều nhất chính là bài thơ “Em ơi! Hà Nội phố”. Năm 1972, khi B-52 của Mỹ bắn phá Thủ đô với lời đe dọa "đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá", tại căn gác nhỏ trên phố Hàng Bún, Phan Vũ viết những câu đầu tiên của trường ca “Em ơi! Hà Nội phố”. Tuy viết từ năm 1972, song “Em ơi! Hà Nội phố” chỉ lưu truyền trong giới văn nghệ sĩ. Đến khi được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc, công chúng mới biết đến một ca khúc hay, bài thơ hay, tên tuổi Phan Vũ lúc ấy được nhắc đến nhiều.
Nhiều người nghĩ bài thơ chỉ có vài câu như thế. Thật ra đó là một trường ca nhỏ, nồng nàn, da diết, khắc họa, bảo lưu lại nét đẹp Hà Nội bằng thơ. Cho đến khi tập thơ công bố sau này, bạn đọc có cơ hội thưởng thức trọn vẹn tác phẩm đẹp về Hà Nội.
Lễ viếng cố nhà thơ bắt đầu từ 19h ngày 17/7. Lễ di quan diễn ra lúc 7h ngày 19/7 tại Nhà tang lễ TP HCM.