Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Vì sao bác sĩ Hoàng Công Lương bị cấm đi khỏi nơi cư trú?

Vì sao bác sĩ Hoàng Công Lương bị cấm đi khỏi nơi cư trú?
Luật sư bào chữa cho bác sĩ Hoàng Công Lương trong vụ án chạy thận làm 9 người chết tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết lý do vì sao cơ quan CSĐT tiếp tục ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can này.


Mới đây, Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Hòa Bình vừa ra Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bác sĩ Hoàng Công Lương (SN 1986, trú tại xã Sủ Ngòi, TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) do có liên quan đến vụ án chạy thận làm 9 người chết tại đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Vì sao bác sĩ Hoàng Công Lương bị cấm đi khỏi nơi cư trú?
Bác sĩ Hoàng Công Lương

Trong Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú áp dụng đối với bác sĩ Hoàng Công Lương ghi rõ "Giao cho UBND xã Sủ Ngòi quản lý, theo dõi. Nếu đi khỏi nơi cư trú mà chưa được sự đồng ý của chính quyền nơi bị can cư trú hoặc đơn vị quân đội đang quản lý bị can và chưa có giấy phép của đã ra lệnh này thì bị can Lương sẽ bị tạm giam theo quy định.

Liên quan đến sự việc này, Hoàng Ngọc Biên (luật sư bào chữa cho bác sĩ Hoàng Công Lương) cho biết: Biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú là một trong những biện pháp ngăn chặn nhẹ nhất được quy định trong BLTTHS năm 2015; các biện pháp ngăn chặn nặng hơn là tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh... Mục đích của biện pháp này là để hạn chế một số quyền công dân liên quan đến việc đi lại. Nếu bác sĩ Lương ra khỏi địa phương thì phải xin phép đơn vị ra lệnh cấm trên.

Vì sao bác sĩ Hoàng Công Lương bị cấm đi khỏi nơi cư trú?
Luật sư Hoàng Ngọc Biên (luật sư bào chữa cho bác sĩ Hoàng Công Lương).



Cụ thể, tại Điều 123, BLTTHS năm 2015 quy định: "Cấm đi khỏi nơi cư trú là biện pháp ngăn chặn có thể áp dụng đối với bị can, có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng nhằm bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án".

Theo luật sư Biên, việc cơ quan CSĐT ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bác sĩ Lương là không sai. Quyết định này nhằm đảm bảo cho công tác điều tra diễn ra theo đúng thời gian luật định, đề phòng trường hợp triệu tập bác sĩ Lương mà không có có mặt tại địa phương thì sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của cơ quan điều tra.

Ngoài lý do nêu trên, luật sư Biên cho rằng, cũng chính vì bác sĩ Hoàng Công Lương có nhân thân tốt, nơi cư trú rõ ràng nên được cơ quan CSĐT áp dụng biện pháp nhẹ nhất là cấm đi khỏi nơi cư trú. Đây là hoạt động bình thường trong hoạt động tố tụng.

Tuy nhiên, luật sư Biên cho rằng vụ án kéo dài quá lâu, gây tâm lý mệt mỏi cho bác sĩ Lương. Việc cơ quan tố tụng trả hồ sơ quá nhiều, ba lần thay đổi tội danh đối với bác sĩ Lương, luật sư Biên cho rằng có oan sai trong vụ án này và sẽ cùng thân chủ của mình đi tới cùng sự thật.

Vì sao bác sĩ Hoàng Công Lương bị cấm đi khỏi nơi cư trú?
Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp.

Cũng liên quan đến vấn đề trả hồ sơ điều tra bổ sung trong vụ án của bác sĩ Hoàng Công Lương, luật sư Đặng Văn Cường cho biết: Tại Điều 172, BLTTHS năm 2015 đã quy định rất chi tiết về thời hạn điều tra vụ án cũng như việc gia hạn điều tra.

Như vụ án chạy thận làm 9 người chết ở Hòa Bình, vụ án đã có kết luận điều tra, chuyển hồ sơ cho VKS. Rồi sau đó chuyển sang tòa án mà VKS hoặc tòa án trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung được quy định tại khoản 2, điều 174 Bộ luật Tố tụng Hình sự như sau: Trường hợp vụ án do viện kiểm sát trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 02 tháng; nếu do Tòa án trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 01 tháng. Viện kiểm sát chỉ được trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung hai lần. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần và Hội đồng xét xử chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần. Thời hạn điều tra bổ sung tính từ ngày Cơ quan điều tra nhận lại hồ sơ vụ án và yêu cầu điều tra bổ sung.

Theo đó, vụ việc đã được đưa tới tòa án để xét xử thì thẩm phán chủ tọa phiên tòa chỉ được trả hồ sơ một lần. Thời gian điều tra bổ sung không quá một tháng, còn hội đồng xét xử có thể được trả hồ sơ một lần và thời gian điều tra bổ sung cũng không quá một tháng theo quy định tại khoản 2, Điều 174 nêu trên. Nghĩa là, khi hồ sơ đã chuyển cho tòa án đối với những vụ án thuộc loại tội nghiêm trọng thì thời gian điều tra bổ sung do tòa án trả lại cho cơ quan điều tra là không quá 2 tháng.

Cũng theo luật sư Cường, trong trường hợp kết quả điều tra bổ sung không có đủ căn cứ để kết tội bị cáo thì tòa án cũng không được tiếp tục trả hồ sơ điều tra bổ sung. Trong trường hợp, không đủ căn cứ buộc tội mà VKS không rút truy tố, không còn quyền để trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì tòa án tiếp tục xét xử vụ án và sẽ tuyên bố bị cáo không phạm tội.

"Trong trường hợp những vụ án mà trả hồ sơ điều tra nhiều lần, vẫn không thể tìm đủ căn cứ để buộc tội thì cơ quan điều tra, viện kiểm sát phải đình chỉ vụ án. Trong trường hợp trả hồ sơ quá số lần so với quy định hoặc thời hạn điều tra quá thời hạn luật định thì bị can, bị cáo, đương sự có quyền khiếu nại quyết định hành vi tố tụng theo quy định pháp luật", luật sư Cường cho hay.

Tư Viễn

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 13 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.17288 sec| 646.32 kb