Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Bảo hiểm VNI và khách hàng sau 3 tháng vẫn chưa chốt được phương án xử lý

Bảo hiểm VNI và khách hàng sau 3 tháng vẫn chưa chốt được phương án xử lý
Sau khi khách hàng tiến hành khiếu nại thì phải 3 tháng sau, đại diện VNI mới chính thức cùng khách hàng tiến hành thẩm định nhưng vẫn chưa chốt được phương án xử lý.

Bảo hiểm VNI thực hiện có đúng theo hợp đồng đã ký?

Như thông tin PhapluatNet đã từng đăng tải trong bài viết ngày 26/02: “Bảo hiểm hàng không VNI: Vì sao khách hàng bị chế tài 50% số tiền sửa chữa?” phản ánh trường hợp khiếu nại của ông Nguyễn T.S trú tại Bạch Đằng, Quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội về việc Tổng công ty cổ phần bảo hiểm hàng không VNI chậm trễ trong việc bồi thường thiệt hại cho ông khi có tổn thất xảy ra.

Nội dung sự việc ông S thể hiện trong đơn: “Vào khoảng 1h30 sáng ngày 15/12/2019, tôi điều khiển xe ô tô mang nhãn hiệu TOYOTA VIOS lưu thông trên tuyến đường Phan Văn Trị, Quận Gò Vấp, TP. HCM. Khi lưu thông đến khu vực đối diện Đa Khoa Anh Minh (địa chỉ số 15 – 16 đường Phan Văn Trị, phường 7, Quận Gò Vấp, TP.HCM) do đường tối, khuất tầm nhìn và bị đèn pha xe hơi đi ngược chiều rọi vào mắt nên tôi có giật mình, bị mất lái dẫn đến đâm, va chạm với trụ bê tông phân cách làn đường nên xe bị hư hỏng nặng.

Ngày 8/1, Gara 79 có chuyển đến tôi đề xuất phương án sửa chữa với tổng chi phí báo giá sữa chữa là 115.530.000 VNĐ, VNI Sở GD duyệt giá bảo hiểm với mức 85.200.000 VNĐ kèm theo chế tài 50% số tiền sửa chữa (tôi phải đóng thêm số tiền là 42.100.000 VNĐ theo bản báo giá sơ bộ của Gara gửi cho tôi) trong khi chưa tôi chưa có bất kỳ buổi làm việc nào với đại diện của công ty bảo hiểm. Không rõ công ty bảo hiểm VNI dựa vào đâu để đưa ra đánh giá, thẩm định, duyệt giá bồi thường cho khách hàng khi chưa có sự chứng kiến của đại diện bên có tài sản bị thiệt hại?”.

Ngày 7/2, đại diện VNI cũng đã có buổi làm việc lần đầu tiên với đại diện khách hàng là ông Nguyễn T.S, hai bên có lập biên bản trao đổi về các nội dung liên quan đến việc khách hàng thắc mắc về quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin của bảo hiểm VNI khi khách hàng gặp sư cố. Ngày 12/02, Tổng công ty bảo hiểm hàng không VNI đã có văn bản phúc đáp gửi khách hàng về nội dung biên bản làm việc ngày 07/2 trước đó.

Cụ thể, văn bản của VNI có nêu: “Về thẩm định duyệt giá dựa trên việc xác định tổn thất thực tế được bên ghi nhận với các hạng mục thuộc phạm vi bảo hiểm liên quan đến vụ tai nạn. Xác định rõ những thiệt hại phải thay thế, cũng như các thiệt hại có thể phục hồi được. Khi các bên liên quan thống nhất được chi phí sửa chữa hợp lý bao gồm: Số tiền duyệt giá sửa chữa, số tiền chế tài, và tài khoản khấu hao…”.

Bảo hiểm VNI và khách hàng sau 3 tháng vẫn chưa chốt được phương án xử lý
Văn bản Tổng công ty bảo hiểm hàng không VNI gửi đến khách hàng.

Về trường hợp áp dụng chế tài 50% khách hàng phải chi trả cho đơn vị sửa chữa, VNI cho rằng: “Khi xảy ra tai nạn không thông báo ngay, không có hồ sơ công an giao thông, lái xe tự ý di chuyển khỏi hiện trường (Áp dụng điểm a mục 1.2, diều 17 Quy tắc XCG).

Đối với việc tính khấu hao phụ tùng đối với khách hàng trong khi hợp đồng bảo hiểm VNI đã ký kết được thể hiện ở điều khoản 2.2 ĐKBS 01 “VNI sẽ bồi thường các bộ phận bị hư hỏng cần phải thay thế thuộc phạm vi bảo hiểm mà không trừ phần hao mòn (khấu hao) sử dụng”. Văn bản VNI đưa ra giải thích: “Đối với hạng mục thay lốp là hạng mục thay thế thường xuyên nên VNI áp dụng khấu hao theo quy định”.

Vì sao khách hàng được giám định tổn thất thiệt hại sau 3 tháng?

Không đồng tình với cách trả lời từ phía Tổng công ty bảo hiểm hàng không VNI, ngày 15/2, khách hàng tiếp tục gửi văn bản phản hồi chính thức đến VNI. Văn bản khách hàng phản hồi nêu các nội dung yêu cầu phía Tổng công ty VNI cần phải giải đáp rõ các khúc mắc trong văn bản phản hồi ngày 07/2, cũng như yêu cầu VNI thực hiện đúng theo các điều khoản đã ký kết trong hợp đồng bảo hiểm đã ký giữa các bên.

Cụ thể, trong văn bản khách hàng có nêu một số khúc mắc như: Việc áp dụng chế tài 50% đối với khách hàng có được VNI nêu lên trong các điều khoản trong hợp đồng đã ký với khách hàng không? Việc VNI Sài Gòn cho biết đơn vị đã liên hệ với khách hàng để phối hợp giám định tổn thất của xe, cụ thể người đại diện đã liên hệ đến khách hàng là ai, số nào? Biên bản làm việc với đại diện chủ xe được diễn ra vào ngày nào? Đại diện VNI tại TP.HCM căn cứ vào đâu để xác nhận đã làm việc với khách hàng kể từ khi xảy ra sự cố, trong khi khách hàng phải chủ động liên hệ đến VNI rất nhiều cuộc gọi (có ghi âm để làm căn cứ) nhưng không được VNI cử đại diện gặp, trao đổi làm việc.

Bảo hiểm VNI và khách hàng sau 3 tháng vẫn chưa chốt được phương án xử lý
Thư phản hồi, kèm theo thắc mắc của khách hàng sau khi nhận được văn bản do Tổng công ty bảo hiểm hàng không VNI gửi ngày 07/02/2020, yêu cầu VNI thực hiện đúng theo hợp đồng đã ký kết.

Theo tìm hiểu của PV đối với bộ quy tắc bảo hiểm của VNI đưa ra sau buổi làm việc ngày 7/2/2020 thì tại khoản 2 Điều 10 đối với Hồ sơ bồi thường, tài liệu VNI phối hợp với khách hàng để yêu cầu cung cấp không thể hiện việc bắt buộc khách hàng phải có bản sao xác nhận của cơ quan công an, Biên bản khám nghiệm hiện trường… được thể hiện tại khoản 2 điều này.

Sau khi khách hàng có văn bản phản hồi thì đến ngày 11/3, Tổng công ty bảo hiểm hàng không VNI mới cử cán bộ Trần Minh Thông phối hợp với đại diện khách hàng để tiến hành giám định tổn thất xe cơ giới. Tuy nhiên kể từ ngày đó đến nay, khách hàng vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin gì thêm từ phía VNI.

Tại Điểm XI trong Thông tư 108 của Trọng tài kinh tế nhà nước có quy định rõ về Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng kinh tế như sau: “1/ Bên vi phạm nghĩa vụ thanh toán, ngoài việc chịu phạt vi phạm hợp đồng theo lãi suất tín dụng quá hạn, còn phải chịu bồi thường thiệt hại cho bên bị vi phạm. Tiền bồi thường bằng tổng số tiền lãi mà bên vi phạm phải trả cho Ngân hàng (trên số tiền chưa được thanh toán), kể cả trường hợp bên bị vi phạm đã phải chuyển sang nợ quá hạn của Ngân hàng.

2/ Bên vi phạm hợp đồng về chất lượng sản phẩm, hàng hoá, công việc không đúng yêu cầu kỹ thuật, có quyền:

a - Hoặc không nhận sản phẩm, hàng hoá, công việc không đúng chất lượng thoả thuận trong HĐKT, bắt phạt vi phạm HĐKT và đòi bồi thường thiệt hại giống như trường hợp không thực hiện hợp đồng;

b - Hoặc nhận sản phẩm, hàng hoá, công việc với điều kiện bên vi phạm phải chịu phạt vi phạm về chất lượng (theo mức phạt các bên đã thoả thuận, hoặc theo quy định của pháp luật), hoặc phải ( không áp dụng phạt vi phạm chất lượng);

c - Hoặc yêu cầu bên vi phạm phải sửa chữa sai sót về chất lượng trước khi nhận. Nếu phải sửa chữa sai sót mà hợp đồng không được thực hiện theo đúng thời hạn thì phải chịu phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại giống như trường hợp vi phạm thời hạn thực hiện hợp đồng."

PhapluatNet sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.
 

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.8 9 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.36488 sec| 658.984 kb