Vừa qua, Toà soạn PhapluatNet nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về việc mặt nạ cổ do Công ty TNHH Veracos có địa chỉ tại 286 Nguyễn Xiển, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng và được quảng cáo như thuốc chữa bệnh.
Trên trang veracos.com của Công ty TNHH Veracos đã quảng cáo công dụng của sản phẩm mặt nạ cổ bằng những từ ngữ dành riêng cho thuốc chữa bệnh như có tác dụng “chống lão hoá” “siêu trẻ hoá vùng cổ chỉ sau một đêm”. Những lời quảng cáo về sản phẩm mặt nạ cổ Veracos có bản chất là làm đẹp nhưng lại được nhà sản xuất, phân phối tung hô như thuốc chữa bệnh với giá thành không hề rẻ khiến nhiều người tiêu dùng không khỏi băn khoăn.
PV đã tìm hiểu thực tế và đăng ký xin tư vấn trên trang web: https://www.veracos.com/. Sau khi đăng ký tư vấn, một người gọi điện thoại cho PV và tự xưng là nhân viên của Công ty TNHH Veracos cho biết cửa hàng phân phối sản phẩm có địa chỉ tại 268 Nguyễn Xiển và chỉ đồng ý bán sản phẩm thông qua dịch vụ chuyển phát và giao tận nơi cho khách hàng.
Chị N.H (quận Đống Đa, TP. Hà Nội) cho biết: “Sau khi đọc được những lời quảng cáo về công dụng của mặt nạ cổ Veracos có khả năng tái tạo da, chống lão hoá, tôi đã đăng ký tư vấn trên trang: https://www.veracos.com/ để mua và dùng thử sản phẩm với giá 450.000 nghìn đồng/1 lọ. Tuy nhiên, dùng hết 4 lọ mà không thấy cải thiện theo tư vấn ban đầu khiến tôi rất bức xúc. Tôi có phản ánh trên trag web này nhưng không nhận được sự phản hồi lại”.
Bên cạnh những từ ngữ quảng cáo như thuốc chữa bệnh, trên trang này còn dùng rất nhiều hình ảnh người nổi tiếng để quảng bá sản phẩm mặt nạ cổ Veracos khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang về công dụng của sản phẩm trên.
Để có tin khách quan, PV đã có cuộc trao đổi với ông Trung – Trưởng Phòng quản lý hành nghề Sở Y tế Hà Nội, ông Trung cho biết: “Sản phẩm mặt nạ cổ Veracos là mỹ phẩm thì không được phép quảng cáo như thuốc chữa bệnh như vậy”.
Theo quy định tại Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo nêu rõ: Mỹ phẩm được cấp công bố trong nước được quy định rõ ràng về công dụng, không được gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng là thuốc.
Tại Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, khoản 3 Điều 69 quy định các vi phạm về quảng cáo mỹ phẩm nêu rõ:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Quảng cáo mỹ phẩm có tác dụng như thuốc gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc;
b) Quảng cáo mỹ phẩm có nội dung không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định;
c) Quảng cáo mỹ phẩm thiếu một trong các nội dung sau: Tên mỹ phẩm; tính năng, công dụng chủ yếu của mỹ phẩm trừ trường hợp tính năng, công dụng đã được thể hiện trên tên của sản phẩm; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; các cảnh báo theo quy định....
PhapluatNet sẽ tiếp tục thông tin.