Liên tiếp các đường dây tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng đã bị lực lượng chức năng phát hiện và triệt phá. Vậy đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý ra sao?
Nghệ An: Bắt giữ 10 đối tượng trong đường dây mua bán tài khoản ngân hàng trái phép quy mô rất lớn
Theo Báo Công an TP.HCM, cuối tháng 5/2022, Công an huyện Nghĩa Đàn (tỉnh Nghệ An) cho biết, đơn vị vừa triệt phá thành công chuyên án tàng trữ, mua bán thông tin về tài khoản ngân hàng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành do Lê Thế Trung (37 tuổi, ở TP.Hà Nội) cầm đầu. Theo đó, từ năm 2020 đến 2022, các đối tượng trong đường dây đã mua, thuê, mượn khoảng 3.000 tài khoản ngân hàng của 600 người trên cả nước. Đến thời điểm đường dây bị triệt xóa, công an xác định vẫn còn 633 tài khoản ngân hàng đang hoạt động.
Để che đậy hành vi, Lê Thế Trung đã lập ra Công ty TNHH Cửu Châu (có địa chỉ đóng tại huyện Tân Lập, tỉnh Phú Thọ). Thông qua công ty này, Trung và đồng bọn thường xuyên tiếp xúc với những người ở nước ngoài không rõ lai lịch đến thuê, mua lại tài khoản ngân hàng để phục vụ mục đích vi phạm pháp luật. Hàng tháng, các đối tượng người nước ngoài sẽ chuyển tiền cho Trung để trả lương cho nhân viên của công ty và chủ tài khoản ngân hàng cho chúng thuê. Theo đó, Trung có nhiệm vụ tiếp tục tuyển nhân viên mới và làm nhiệm vụ thu thập tài khoản ngân hàng cung cấp cho những người nước ngoài.
Quá trình điều tra, sao kê những tài khoản ngân hàng được các đối tượng thu thập cho thấy, lượng tiền giao dịch qua những tài khoản mà chúng thu thập được rất lớn. Trung bình mỗi tài khoản như vậy có lượng tiền giao dịch lên đến hơn 50 tỷ đồng, có tài khoản giao dịch lên đến 400 tỷ đồng.
Hưng Yên: Khởi tố 4 đối tượng mua bán trái phép thông tin gần 120 tài khoản ngân hàng
Tháng 8/2022, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can về tội Mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng, bao gồm: Nguyễn Thị Huê (SN 1995); Trần Anh Tuấn (SN 1996); Đặng Việt Khánh (SN 2004); Nguyễn Thị Phương Thảo (SN 1993), cùng trú tại huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên.
Qua công tác nắm tình hình, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Hưng Yên phát hiện trên địa bàn huyện Phù Cừ xảy ra tình trạng một số đối tượng dùng nhiều thủ đoạn dụ dỗ các em học sinh mới được cấp thẻ Căn cước công dân đăng ký mở tài khoản tại nhiều Ngân hàng thương mại, sau đó mua lại. Tiếp đó, các đối tượng bán thông tin của các chủ tài khoản cho các đối tượng khác để thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật như tổ chức đánh bạc trên mạng Internet, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng và rửa tiền. Theo tài liệu thu thập được, các đối tượng trên đã mua bán trái phép thông tin của gần 120 tài khoản ngân hàng do nhiều cá nhân mở tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Hải Dương và tỉnh Hưng Yên.
Đà Nẵng: Khởi tố 2 phụ nữ mua bán trái phép hàng loạt tài khoản ngân hàng
Zing News đưa tin, tháng 3/2022, Công an TP.Đà Nẵng đã khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Anh (31 tuổi) và Lê Thị Bình (30 tuổi, cùng quê Đắk Lắk) về tội Mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng.
Theo điều tra, từ năm 2021, Anh được một người (chưa rõ danh tính) kết nối qua mạng xã hội, đặt vấn đề mua lượng lớn tài khoản ngân hàng với giá 1 triệu đồng/tài khoản. Anh sau đó rủ Bình cùng tham gia vụ làm ăn này. Bình thường xuyên đăng thông tin giới thiệu, thuê người đăng ký mở các tài khoản ngân hàng. Đối tượng còn nhờ bạn bè, người quen ở Đà Nẵng và quê nhà lập 56 tài khoản rồi bán cho Anh với giá 700.000 đồng/tài khoản, thu lợi bất chính gần 17 triệu đồng. Sau đó, Anh tiếp tục bán lại số thẻ ngân hàng nói trên cho người "đặt hàng" trước đó, với giá 1 triệu đồng/tài khoản, thu lợi bất chính 19,5 triệu đồng.
Các đối tượng phạm tội thường thuê người mở tài khoản, thẻ ngân hàng, sau đó sử dụng vào mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác. Công an khuyến cáo người dân không sử dụng giấy tờ tùy thân của mình để mở hộ hoặc bán tài khoản thanh toán thẻ cho người khác, hạn chế chia sẻ các thông tin cá nhân lên mạng xã hội, đặc biệt là các thông tin như số căn cước công dân, số điện thoại, email, địa chỉ.
Liên quan đến tình trạng này, Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết: “Mua bán trái phép tài khoản ngân hàng là hành vi vi phạm pháp luật. Tuỳ theo tính chất, mức độ người mua bán trái phép tài khoản ngân hàng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 143/2021/NĐ-CP quy định về Vi phạm quy định hoạt động thanh toán, theo đó, người vi phạm bị phạt từ 40.000.000 đến 100.000.000 đồng tùy theo mức độ vi phạm. Về truy cứu trách nhiệm hình sự, chiếu theo Điều 291 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng; tùy theo mức độ, người vi phạm có thể chịu hình phạt lên đến 7 năm tù”.
Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 143/2021/NĐ-CP quy định về “Vi phạm quy định về hoạt động thanh toán”:
- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 01 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản thanh toán trở lên mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Ngoài ra, người vi phạm còn phải bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Điều 291 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về “Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng”:
1. Người nào thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 20 tài khoản đến dưới 50 tài khoản hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 50 tài khoản đến dưới 200 tài khoản;
b) Có tổ chức;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng 200 tài khoản trở lên;
b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Diễn đàn Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.