Sáng ngày 21/7, TAND TP.HCM mở phiên tòa sơ thẩm xét xử công khai Nguyễn Võ Quỳnh Trang (27 tuổi, quê Gia Lai) về tội danh "Giết người", "Hành hạ người khác" và Nguyễn Kim Trung Thái (37 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM, người tình của Trang và là cha ruột bé V.A.) về tội "Hành hạ người khác", "Che giấu tội phạm". Đến khoảng 9h15 cùng ngày, sau thời gian hội ý, hội đồng xét xử tuyên bố hoãn phiên tòa, trả hồ sơ cho Viện kiểm sát điều tra bổ sung để giám định thương tích đối với bị hại trong các ngày 7, 10, 11 và 12/12/2021 theo yêu cầu của luật sư đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại.
Trước đó, trong phiên tòa, luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng cơ quan điều tra đã không trưng cầu giám định các thương tích của bé V.A. trước ngày tử vong là thiếu sót và bỏ lọt tội phạm. Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, giám định pháp y bổ sung ngày 14/3/2022 kết luận: "Các tổn thương mới xảy ra trong vài giờ trước khi tử vong (khoảng 1 giờ đến 6 giờ) là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của nạn nhân. Các tổn thương cũ xảy ra trước khi tử vong khoảng từ 2 ngày đến 25 ngày là yếu tố cộng thêm dẫn đến cái chết của nạn nhân". Đồng quan điểm, luật sư Thơm đề nghị trưng cầu giám định thương tích bé V.A. trong các ngày 7, 10, 11 và 12/12/2021. Theo luật sư, đây chính là căn cứ quan trọng để đánh giá tính nguy hiểm của hành vi phạm tội kéo dài và làm căn cứ định tội đối với hai bị cáo.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên về vấn đề trưng cầu giám định thương tích, luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa đến từ Văn phòng Luật sư X (thuộc Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết: “Trưng cầu giám định là hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan có thẩm quyền thể hiện bằng việc ra quyết định yêu cầu những người có kiến thức chuyên môn cần thiết về các lĩnh vực khoa học, kĩ thuật, công nghệ,… nhằm thu thập, củng cố, kiểm tra, đánh giá, xác lập chứng cứ, phục vụ điều tra, xử lý vụ án hình sự”.
Cũng theo luật sư Nghĩa, tại Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định rất rõ ràng và cụ thể về những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định. Trong đó, xác định nguyên nhân chết người và xác định tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe là 2 trong 6 trường hợp được quy định tại điều trên. Ở đây, vì cơ quan điều tra trước đó không trưng cầu giám định nên luật sư đại diện cho nạn nhân đã thực hiện quyền yêu cầu giám định được ghi nhận tại Điều 207 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Trước phiên tòa xét xử 2 ngày, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ đã có kiến nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung, thay đổi tội danh của bị cáo Nguyễn Kim Trung Thái từ “Hành hạ người khác” sang “Giết người”. Liên quan đến nội dung này, luật sư Nghĩa nêu ra quan điểm: “Kiến nghị của luật sư Trần Thị Ngọc Nữ là có cơ sở, bị cáo Thái đăng nhập vào ứng dụng quản lý camera xóa dữ liệu 4 camera trong căn hộ nhằm che giấu hành vi phạm tội của Trang vào ngày 22/12/2021, khi Trang dùng hung khí đánh vào vùng trọng yếu của V.A. liên tục trong gần 4 giờ, dẫn đến việc bé tử vong vì phù phổi cấp, sốc chấn thương. Động cơ việc làm của Trang là không muốn sự tồn tại của cháu V.A. đã có từ lâu thông qua các hành động cụ thể, sự việc ngày 22/12 là đỉnh điểm và cũng là lúc để tước đoạt đi tính mạng của cháu bé. Thái lúc này có thể sẽ là đồng phạm với Trang trong tội danh Giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự”.
Bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định:
1. Tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc bị hại khi có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án;
2. Tuổi của bị can, bị cáo, bị hại nếu việc đó có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án và không có tài liệu để xác định chính xác tuổi của họ hoặc có nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó;
3. Nguyên nhân chết người;
4. Tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ hoặc khả năng lao động;
5. Chất ma tuý, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, tiền giả, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ;
6. Mức độ ô nhiễm môi trường.
Điều 207 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về yêu cầu giám định:
1. Đương sự hoặc người đại diện của họ có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, cơ quan tiến hành tố tụng phải xem xét, ra quyết định trưng cầu giám định. Trường hợp không chấp nhận đề nghị thì thông báo cho người đã đề nghị giám định biết bằng văn bản và nêu rõ lý do. Hết thời hạn này hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì người đề nghị giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định.
Diễn đàn Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.