Điều này xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân, từ văn hóa, tư tưởng, kinh tế, cho đến những vấn đề khác có liên quan. Mà nguyên nhân căn bản nhất, có lẽ xuất phát từ nền tảng kinh tế.
Tôi còn nhớ hình ảnh về một chàng trai ham đọc sách, đã từng gặp, cách đây hơn chục năm. Mặc dù tôi cũng là một người ham đọc sách, nhưng rất ngại ngồi nói chuyện cùng cậu ấy. Bởi vì một điều đơn giản, gần như tất cả những gì cậu ấy muốn trò chuyện cùng tôi là chỉ về những gì cậu ấy đọc. Nghĩa là cậu ấy không thoát ly ra khỏi một mớ bòng bong tri thức, tư liệu trong sách, mà đắm chìm vào đó. Đi đâu, hay gặp ai, cậu ấy cũng chỉ muốn nói về nội dung đó. Và trong rất nhiều người mà cậu ấy gặp, có lẽ tôi cũng là một người đọc sách nhiều, nên có thể chia sẻ được đôi điều với cậu ấy. Vì lẽ đó, cậu ấy hay muốn lại gần tôi, để được nói về thế giới trong tâm trí cậu ấy.
Có lẽ, đó là một ca điển hình của tình trạng đọc sách nhiều nhưng không “tiêu hóa” được lượng tri thức mình tiếp thu, dẫn đến sự “mê đắm” vô thức. Và điều đó đã dẫn đến một thái độ sống/một lối sống xa rời thực tế. Cái này còn nguy hại hơn cả không đọc sách. Trong bệnh viện tâm thần, có lẽ không ít người đã từng là người đọc rất nhiều sách!...
Nhưng đó là một trong những trường hợp hi hữu trong cuộc sống, tôi đã gặp qua. Còn trường hợp phổ biến hơn, là rất nhiều người trong chúng ta ít khi nào đọc sách, nhưng khi tranh luận thì luôn nghĩ rằng mình đúng! So với cái nguy hại của chàng trai kia, thì cái nguy hại của sự ít đọc, cũng đâu thua gì?...
Người Việt hiện tại, nếu so sánh về mức đọc sách, thì chúng ta nằm ở mức dưới trung bình của thế giới. Nhưng đọc sách nhiều, liệu có tốt không?
Đất nước chúng ta, trải qua thế kỷ XX với hơn ba phần tư thời gian là thuộc địa và chiến tranh liên miên. Ai cũng biết, sự tàn phá của chiến tranh thì thật tệ hại. Vậy nên, về mặt kinh tế, chúng ta vẫn là một quốc gia nghèo, và mang nặng bóng dáng của một nền nông nghiệp thủ công lạc hậu, cho đến hết thế kỷ XX. Nghĩa là chúng ta đi sau những quốc gia phát triển nhiều trăm năm.
Mặc dù đời sống xã hội Việt Nam có sự đổi thay trong hơn chục năm nay, nhưng chính cái “truyền thống” tiểu nông đó vẫn còn ảnh hưởng lâu dài đến hiện tại, thậm chí cả tương lai.
Chúng ta sống trong một môi trường sống nông nghiệp lạc hậu, tri thức mà chúng ta có, có chăng cũng chỉ là kinh nghiệm làm nông. Chúng ta có rất rất tri thức về rất nhiều lĩnh vực khác nhau, từ kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ, kỹ thuật, đến nghệ thuật. Bởi một thực tế, những tri thức đó (nếu có) thì cũng chưa/không áp dụng được gì trong đời sống thực tiễn!...
Ngoài ra, việc đầu tư vào tri thức là một sự đầu tư rất tốn kém (với khả năng kinh tế của những người nông dân thì khó có nguồn lực tài chính để đầu tư), thêm vào đó, kết quả của sự đầu tư vào tri thức không dễ dàng nhìn thấy ngay, giống như trồng cây thì thấy ngay quả ngọt. Lợi ích mà tri thức mang lại, không phải là ngày một ngày hai. Điều đó làm cho chúng ta không coi trọng tri thức!...
Đọc sách, bản thân hoạt động đó là một thú vui, bên cạnh việc bồi bổ tri thức. Nó giống như hoạt động giải trí cao cấp. Nếu đọc sách nhiều, đa dạng đề tài và lĩnh vực tri thức, sẽ giúp cho ta có được nhiều loại tri thức khác nhau, từ đó tác động đến tư duy của ta. Khi nhìn nhận một vấn đề nào đó, người đọc sách nhiều có thể nhìn thấy vấn đề đó dưới nhiều lăng kính khác nhau. Điểm nhìn đa chiều này, giúp chủ thể tránh được sự chủ quan một chiều, điều đó giúp chủ thể tránh được những định kiến hẹp hòi, thành kiến phiến diện, về một vấn đề cụ thể.
Đọc sách nhiều, giúp ta hiểu sâu hơn về nhiều lĩnh vực, từ đó giúp ta có sự liên kết tri thức. Nếu chủ thể là người giỏi vận dụng lý thuyết vào đời sống, thì những tri thức liên kết đó rất hữu dụng (tư duy linh hoạt) trong đời sống thực. Việc đọc sách như thế, không những giúp ta mở mang cách cảm cách nghĩ, mà còn giúp cho ta nâng cao chất lượng đời sống của chính mình.
Nếu bạn là một người giàu có về vật chất, lại giàu về tri thức, đời sống tâm hồn phong phú, thì tại sao không? Khi một người biết tận dụng tri thức một cách hiệu quả, thì chính sự giàu tri thức là nhân tố quan trọng để tạo ra sự giàu về vật chất. Khi tri thức và tài chính dồi dào, việc tạo nên sự đa dạng trong đời sống tinh thần (nâng cao chất lượng sống) cũng là điều dễ dàng thực hiện.
Bởi vậy, việc đọc sách nhiều, theo quan điểm của tôi, là tốt. Tuy nhiên, nếu đọc sách chỉ để đọc sách, mà không có sự gắn kết tri thức đọc được với thực tiễn, bị “ảo tưởng hóa” tri thức, thì rất nguy hiểm vậy. Đọc sách, ngoài nhu cầu tìm biết tri thức để vận dụng vào đời sống (công việc và cuộc sống cá nhân), thì còn nhu cầu nâng cao tâm hồn hướng thượng, cũng là điều quá tốt, đúng không?...
Vậy nên, nếu có cơ hội, bạn nên đọc sách nhiều, và sống một cách thực tế. Đó có thể là bí quyết để tạo nên cuộc sống chất lượng của thế kỷ XXI này (thế kỷ vận động của nền kinh tế tri thức toàn cầu).
Còn bạn, bạn nghĩ sao về điều tôi chia sẻ? Đọc sách nhiều, tốt hay không tốt?...
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.