Sáng ngày 26/9, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử Nguyễn Minh Hùng (cựu Tổng giám đốc VN Pharma) cùng 11 đồng phạm trong vụ án mua bán thuốc ung thư giả xảy ra tại Công ty VN Pharma.
Theo Thanh Niên, HĐXX yêu cầu ông Nguyễn Thành Lâm, Phó cục trưởng Cục quản lý dược (bộ Y tế), cung cấp 3 văn bản của Bộ Y tế cho HĐXX.
Ông Lâm đã cung cấp cho HĐXX 3 văn bản gồm: Công văn 279 ngày 21/12/2018 của bộ Y tế về cung cấp thông tin tài liệu phục vụ điều tra; Công văn 77 ngày 27/4/2018 của bộ Y tế về cung cấp thông tin phục vụ quá trình điều tra; và Công văn 79 ngày 12/5/2018 của bộ Y tế về giám định lô thuốc H-Capita (kèm theo lết luận hội đồng chuyên môn).
Theo HĐXX, đây là 3 tài liệu đã được giải mật mà luật sư được sử dụng công khai tại tòa.
Cụ thể, tại văn bản số 77 ngày 27/4/2018, bộ Y tế cho biết Đoàn công tác của bộ Y tế đã làm việc trực tiếp với nhà máy Affy Prenterals, Ấn Độ. Nhà máy này có các giấy chứng nhận nhà máy sản xuất đạt chuẩn theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới. Trong danh sách các thuốc của nhà máy này sản xuất có lô thuốc H-Capita .
Nhà máy này có văn bản xác nhận đã bán lô thuốc 9.300 hộp H-Capita cho Công ty Magnolia limited tại Ấn Độ. Công ty Magnolia bán lô thuốc này cho Công ty cổ phần VN Pharma. Lô hàng sau đó được vận chuyển bằng máy bay từ Ấn Độ tới cảng hàng không Singapore và về Việt Nam.
Từ các căn cứ nêu trên, tại văn bản số 77 bộ Y tế đã kết luận lô thuốc H-Capita đạt tất cả các tiêu chuẩn lúc xuất xưởng. Tuy nhiên quá trình vận chuyển nếu không tuân thủ điều kiện bảo quản thì chất lượng có thể không còn được giữ như lúc xuất xưởng.
Tại công văn số 279 ngày 21/12/2018, bộ Y tế gửi cơ quan An ninh điều tra bộ Công an cho biết thuốc kém chất lượng, thuốc giả và hàng giả là 3 khái niệm riêng biệt.
Bộ Y tế khẳng định lô thuốc H-Capita là lô thuốc kém chất lượng vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký với cơ quan điều tra. Việc xác định lô thuốc H-Capita có phải thuốc giả hay hàng giả còn tùy từng trường hợp cụ thể đối chiếu với các văn bản.
Tại văn bản này, bộ Y tế cho biết đã có văn bản gửi Cơ quan An ninh điều tra bộ Công an cung cấp các thông tin, tài liệu cho thấy lô thuốc H-Capita nhập khẩu có nguồn gốc từ Ấn Độ, đạt các tiêu chuẩn sản xuất tại nhà máy Ấn Độ lúc xuất xưởng.
HĐXX cũng công bố đơn xin xét xử vắng mặt của bị cáo Phạm Văn Thông, lý do bị cáo bị nhồi máu cơ tim, đang điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115. Theo HĐXX, việc vắng mặt bị cáo Thông không ảnh hưởng đến quá trình xét xử.
Cùng cập nhật diễn biến phiên tòa, Tuổi Trẻ thông tin thêm, luật sư Nguyễn Đình Hưng (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Minh Hùng) cho biết các văn bản vừa được giải mật có nội dung liên quan đến việc bộ Y tế đã cử đoàn công tác đi Ấn Độ để xác minh nguồn gốc lô thuốc H-Capita mà VN Pharma nhập về, các thông tin liên quan đến đường đi của lô thuốc H-Capita từ Ấn Độ cho đến khi về Việt Nam…
Kết quả điều tra, kết luận giám định của bộ Y tế trước khi phiên tòa diễn ra đều khẳng định lô thuốc H-Capita do VN Pharma nhập về là thuốc kém chất lượng, không được dùng chữa bệnh cho người.
Tuy nhiên, theo nội dung văn bản vừa được giải mật và được công bố tại tòa, sau khi cử đoàn công tác đi Ấn Độ xác minh, bộ Y tế lại có những văn bản khẳng định "lô thuốc H-Capita đạt tất cả các tiêu chuẩn lúc xuất xưởng".
Phiên xử hôm nay có sự xuất hiện của Ngô Nhật Phương, một doanh nhân ngành dược kinh doanh tại Campuchia, với tư cách là người liên quan đã cung cấp một số tài liệu cho Hội đồng xét xử về nguồn gốc lô thuốc H-Capita. Người này cho biết, tất cả các tài liệu liên quan đến lô thuốc đã được nộp cho cơ quan điều tra và tòa án.
Theo ông Phương, H-Capita không phải là thuốc giả, được sản xuất tại nhà máy Ấn Độ. Khi biết cơ quan chức năng Việt Nam điều tra, xét xử vụ án VN Pharma nhập thuốc giả, Hiệp hội Dược Ấn Độ, cơ quan điều tra Ấn Độ đã rà soát tất cả đơn thuốc bán sang Việt Nam. Quá trình rà soát xác định, một số người Việt Nam đặt vấn đề mua thuốc của nhà máy tại Ấn Độ nhưng đề nghị ghi xuất xứ Canada trên bao bì.
Các công ty này không đồng ý, yêu cầu bên mua tự thực hiện việc dán nhãn xuất xứ. Hiệp hội Dược Ấn Độ khẳng định lô thuốc sản xuất tại nước họ là thuốc đạt tiêu chuẩn.
Về vấn đề này, chủ tọa cho rằng tài liệu ông Phương cung cấp phù hợp với tài liệu vụ án mà tòa nhận được từ Lãnh sự quán Ấn Độ.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, nguồn gốc lô thuốc cũng được ghi không phải từ Canada. Trên các thùng thuốc có dán tem kiểm tra an ninh tại sân bay của Ấn Độ và dán tem vận chuyển từ Ấn Độ về Singapore. Tuy nhiên, Interpol Ấn Độ trả lời không có thông tin về lô thuốc này.